Nuôi nai trên núi Cấm

11/02/2015 09:26 GMT+7

Gần đây, một số hộ dân ở núi Cấm (H.Tịnh Biên, An Giang) đã tận dụng phần đất rừng được khoán để phát triển mô hình nuôi nai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gần đây, một số hộ dân ở núi Cấm (H.Tịnh Biên, An Giang) đã tận dụng phần đất rừng được khoán để phát triển mô hình nuôi nai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi nai trên núi Cấm
Đàn nai nhà ông Mẫn - Ảnh: Thiên Lộc
Ông Nguyễn Duy Mẫn (ở ấp An Hòa, xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang) là một trong những nông dân nhận khoán và chăm sóc rừng cho Hạt Kiểm lâm trên núi Cấm. Năm 1999, ông được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang hỗ trợ vốn nuôi một cặp nai. Ông đã trồng cỏ voi dưới tán rừng làm thức ăn cho nai để tiết kiệm chi phí. Sau 2 năm, ông Mẫn hoàn vốn và giữ lại cặp nai giống gầy đàn. Đến nay, tổng đàn nai của ông đã lên đến 11 con, gồm 4 con cái và 7 con đực. Năm vừa qua, ông thu về khoảng 45 triệu đồng từ tiền bán nai tơ. Ngoài ra, ông còn lấy được 6 kg lộc nhung (sừng non của nai đực), bán với giá 15 triệu đồng/kg. Ước tính tổng thu nhập từ nuôi nai của ông Mẫn trên 100 triệu đồng/năm.
Cũng thành công với mô hình nuôi nai còn có ông Nguyễn Văn Sơn, nhà dưới chân núi thuộc ấp Tân Long (xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên). Từ những cặp nai ban đầu, đến nay ông đã nhân giống được 12 con, gồm nai bố mẹ và hậu bị. Nai cái sau 2 năm tuổi có thể phối giống và mỗi năm chỉ đẻ 1 con. Nai đực sau 1 năm rưỡi bắt đầu cho lộc nhung. Con càng lớn lộc nhung càng nhiều, con 5,5 năm tuổi mỗi lần cắt được 2 - 2,5 kg lộc nhung. Hiện mỗi năm ông Sơn lấy được 7 - 10 kg lộc nhung và bán từ 1 - 3 cặp nai giống (khoảng 6 tháng tuổi), bình quân thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Ông Sơn cho biết nai rất dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh. Hằng ngày, ông chỉ đi cắt cỏ, hái lá cây rừng hoặc lấy các phụ phẩm nông nghiệp cho nai ăn. Từng trải qua nhiều năm nuôi bò, hươu nên việc nuôi nai đối với ông không quá khó khăn. Hiện còn là người hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc đàn nai và cách cưa sừng lấy lộc nhung. Theo ông Sơn, ở vùng Bảy Núi, mô hình nuôi nai mang lại lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần nuôi bò, heo nhưng vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Hơn nữa, muốn cho đàn nai phát triển tốt, lộc nhung dồi dào, người nuôi cần phải có đất để trồng cỏ cho nai ăn.
Có thể nói mô hình nuôi nai ở núi Cấm đã mang lại hiệu quả khá cao, không những giúp bà con cải thiện cuộc sống mà còn góp phần phát triển rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.