Nỗi lo “quả bom nước”

04/08/2011 11:08 GMT+7

Theo các nhà khoa học, nếu 12 đập thủy điện thượng nguồn sông Mêkông được xây dựng thì khu vực ĐBSCL sẽ gánh thảm họa “quả bom nước treo trên đầu”. Chưa kể mỗi năm khu vực này phải chịu tổn thất nặng nề về nông nghiệp và thủy sản.

Tổn thất hàng tỉ USD/năm

Ngày 28.7, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (gọi tắt là TTNC Hòa An - ĐH Cần Thơ) tổ chức đối thoại “Thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông  đến Sinh thái của ĐBSCL”.

Mở màn cuộc đối thoại, TS Dương Văn Ni, Giám đốc TTNC Hòa An so sánh: nếu như trước đây, cua đồng từng được xem là dịch hại của cây lúa, là thứ bỏ đi thì nay giá cua đồng lên đến 40.000đ/kg, còn giá cá bống trứng hiện lên đến 200.000đ/kg. Trong khi đó, giá  cá da trơn nuôi tại các ao bè chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia trong Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính sông Mêkông cho biết, lợi ích kinh tế do thủy điện  mang lại cho Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 5%, trong khi tác hại gây ra khôn lường. Trong đó, sản lượng thủy sản mỗi năm bị mất từ 220.000-440.000 tấn/năm, thiệt hại có thể lên đến 1 tỉ USD/năm, thậm chí còn lớn hơn.

Cũng theo ông Thiện, khi các đập thủy điện được xây dựng, loài cá không thể nào bơi lên thượng nguồn đẻ trứng. Nếu chúng đẻ dưới các chân đập thì trứng trôi xuống hạ lưu rồi trôi ra biển mới nở thành cá con và chúng sẽ chết do môi trường nước mặn.  Ngoài ra, các đập trên thượng nguồn như “quả bom nước treo trên đầu”, cách vận hành đập làm mực nước dao động nhanh, trong 1 giờ mực nước có thể tăng cao 3-6m. Trong trường hợp xả lũ khẩn cấp không kịp thông báo trước, thì 430.000 người sống trong khoảng 100 km dưới các đập sẽ  gánh chịu rủi ro rất lớn. Ngoài ra, việc xây dựng các con đập trên thượng nguồn còn kéo theo bao hệ lụy khác như phù sa giảm từ 165 triệu tấn/năm xuống còn 42 triệu tấn/năm và nạn  “nước đói” sẽ gây ra họa sạt lở. Nghiêm trọng hơn, việc thiếu phù sa để bù cho sự lún tự nhiên sẽ khiến ĐBSCL như con tàu bị chìm xuống nhanh hơn. Sau khô hạn, sạt lở thì ranh giới mặn ngọt sẽ dịch chuyển khó lường, tác hại đến nuôi trồng thủy sản, trồng lúa.

Theo TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho khu vực ĐBSCL mỗi năm. Ông Tuấn dẫn chứng: hiện tượng nước biển dâng và sự giảm sút dòng chảy từ sông Mêkông khiến  nước biển xâm nhập mạnh vào ĐBSCL trong những năm gần đây, gây  nhiễm mặn hơn 800.000 ha.


Cảnh chài cá trên sông Hậu như  thế này ngày càng ít gặp do nguồn cá trong tự nhiên giảm sút - Ảnh: Công Hân

Diện mạo đồng bằng sẽ thay đổi?

Theo các nhà khoa học, Mêkông chỉ đứng sau sông Amazon về mức độ đa dạng sinh học, cùng hệ sinh thái vô cùng phức tạp. Khu vực ĐBSCL  nằm ở hạ lưu Mêkông được thừa hưởng hệ động thực vật phong phú; cộng với ảnh hưởng từ môi trường biển và nước lợ, khu vực này hiện là “ngôi nhà chung” của rất nhiều loài sinh vật. Chính từ những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, người dân ĐBSCL đã khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên phục vụ cuộc sống và biến chúng thành thế mạnh của vùng. TS Tuấn cho rằng lũ lụt và phù sa là một phần của hệ sinh thái và là tác nhân chính hình thành nên diện mạo vùng ĐBSCL. Do vậy, điều băn khoăn là trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự phát triển thủy điện ở thượng nguồn, thì bộ mặt vùng ĐBSCL trong tương lai sẽ ra sao?

Cũng theo các nhà khoa học, nếu các đập thủy điện trên thượng nguồn được xây dựng, thì 100 loài cá trên sông Mêkông sẽ biến mất, trong đó có ca tra dầu - loài cá biểu tượng của sông Mêkông, cá heo Irrawaddy, cá sấu xiêm, cùng các loài rùa, đặc biệt là loài rùa Cantor mai mềm khổng lồ…Đến năm 2030, tổng tổn thất trực tiếp về cá trên sông Mêkông là 550-880.000 tấn/năm (chưa tính tổn thất cá đồng và cá biển), tương đương 110% tổng sản lượng gia súc của Lào và Campuchia cộng lại và bằng tổn thất tổng sản lượng cá của 15 quốc gia Tây Phi. Một khi mất đi những thứ này thì Mêkông nói chung, sông Cửu Long nói riêng sẽ mất hết sự kỳ thú và dòng sông sẽ thay đổi diện mạo. “Đây quả là điều đáng tiếc vì sông Mêkông có sự đa dạng nguồn cá thứ hai trên thế giới. Các loài thủy sản nuôi vĩnh viễn không thể thay thế thủy sản tự nhiên”, TS Ni nói.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.