Nỗi lo của người trồng thanh long

13/01/2014 09:54 GMT+7

Tại ĐBSCL, thanh long đang có giá cao nhưng người trồng vẫn lo điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” vì diện tích trồng cứ liên tục gia tăng.

  Thanh long
Thanh long đang là cây “thời sự” nhất ở Tiền Giang và Long An (Công Hân)

Giá tăng nhưng vẫn lo

Trong vòng một tháng qua, giá thu mua thanh long ruột trắng đã lên đến 25.000 - 27.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg). Đây được xem là mức giá rất hấp dẫn đối với người trồng thanh long.

Ông Trương Văn Sáng (ngụ ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, H.Châu Thành, Long An), bắt đầu trồng thanh long thử nghiệm gần 0,2 ha đất. Ông Sáng cho biết trước đây người trồng thanh long để cây ra trái tự nhiên, mỗi năm chỉ thu hoạch 1 đợt nhưng nay với kỹ thuật xông đèn kích thích cây ra hoa, nhà vườn có thể thu hoạch 3 đợt/năm. Bên cạnh đó, nhà vườn còn điều chỉnh mùa thu hoạch theo thời vụ riêng. Theo tính toán của ông Sáng, nếu bán với giá 10.000 đồng/kg, nhà vườn canh tác tốt có thể thu lợi nhuận khoảng 50% mức doanh thu. Chính vì mức lời cao như vậy, ông Sáng đã tăng diện tích lên 1,8 ha. Ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) cũng cho biết năm 2013, 1 ha thanh long của ông cho doanh thu hơn nửa tỉ đồng.

Trong khi thanh long ruột trắng đang “lên hương” thì “người anh em” ruột đỏ đành phải “ngậm ngùi”, vì hiện nay, giá thanh long ruột đỏ giảm chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại các địa phương không đáng kể và năng suất cũng chỉ tương đương 70% so với loại ruột trắng. Tuy nhiên, biến động trái chiều này vẫn được xem là cảnh báo của thị trường đối với nhà vườn. Người trồng thanh long như ông Sáng, ông Sáu vẫn chưa quên bài học cách đây vài năm, thanh long được bán với giá cực rẻ nhưng không ai mua.

Khó hạn chế mở rộng diện tích

Diện tích trồng thanh long ở ĐBSCL tập trung hầu hết tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này đã khiến nông dân liên tục mở rộng diện tích. Năm 2010, Long An chỉ có khoảng 1.000 ha thanh long thì tới thời điểm này đã tăng trên 2.700 ha, chủ yếu ở H.Châu Thành. Còn diện tích trồng thanh long ở H.Chợ Gạo (Tiền Giang) ước khoảng 3.500 ha, vượt 15% so quy hoạch. Chỉ riêng 2 xã Quơn Long và Mỹ Tịnh An (H.Chợ Gạo) đã có gần 1.500 ha trồng thanh long. Ở xã Mỹ Tịnh An, diện tích trồng thanh long chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp và vẫn không ngừng được mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Anh, chuyên viên nông nghiệp xã Mỹ Tịnh An, băn khoăn: “Với việc mở rộng diện tích như hiện nay, địa phương có thể nắm được sản lượng thanh long tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề tìm kiếm thị trường để kịp thời tiêu thụ khối lượng thanh long này là yêu cầu vượt quá khả năng”. Theo ông Anh, tình trạng ứ đọng sản phẩm, giá giảm, ế ẩm… là điều khó tránh khỏi dù chưa xác định được thời điểm cụ thể. Chưa kể dịch bệnh đốm trắng hoành hành trên cây thanh long vẫn chưa có thuốc đặc trị. Song ông Anh vẫn phải thừa nhận: “Hạn chế chuyển đổi tập trung sang trồng thanh long ở thời điểm hiện tại là điều không thể”.

Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Nam bộ), khuyến khích: “Sản xuất trái cây rải vụ là cách làm khôn ngoan nhất trong điều kiện hiện nay”. Trên thực tế, yêu cầu này đã được người trồng thanh long thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo nhà vườn Trương Văn Sáng (ngụ xã An Lục Long, H.Châu Thành, Long An), nếu vào thời điểm được cho là tốt, nhà vườn đồng loạt trồng rải vụ sẽ khó tránh khỏi tình trạng trùng lắp, rộ mùa…

An Hòa

>> 2 tỉ đồng bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
>> Bài toán cũ của thanh long Bình Thuận
>> Thanh long ruột đỏ Trà Vinh vào thị trường Mỹ
>> Đấu giá bản quyền giống thanh long ruột tím hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.