Nỗi ám ảnh mang tên thủy ngân ở đất vàng Quảng Nam

08/07/2014 11:17 GMT+7

Chị Nguyễn Thị Xuân, 58 tuổi, ở thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam) cảm thấy sợ mỗi khi nhắc đến các triệu chứng của nhiễm độc thủy ngân của mình.

 Nỗi ám ảnh mang tên thủy ngân ở đất vàng Quảng Nam

Năm 2008, trong một lần đi khám sức khỏe vì các biểu hiện tay chân tê cứng, da ngứa và tím thâm đen, đau đầu, choáng váng, chị Xuân lặng người khi bác sĩ cho biết mình bị nhiễm độc kim loại nặng. Nhớ lại suốt 8 năm qua, vì cuộc sống vất vả, mưu sinh, chị đã sống chung với môi trường thủy ngân độc hại, xuất phát từ nghề đãi vàng của mình. Phú Ninh quê hương chị vốn được mệnh danh là 1 trong những vùng đất vàng của Quảng Nam, nơi có mỏ vàng lớn Bồng Miêu cũng như có nhiều người dân làm nghề đào đãi vàng tự phát. Thủy ngân sau khi nhờ được người mua giúp, chị Xuân mang về nhà sử dụng cho công việc, chị đã dùng tay chà trực tiếp lên thủy ngân mà không hề nghĩ đến tác hại của nó.

Từ Tây y rồi đến Đông y, chạy chữa khắp nhưng bệnh tình chỉ thuyên giảm đi một ít. Người phụ nữ khỏe mạnh 56kg ngày nào giờ chỉ còn 37kg và sức khỏe yếu hẳn. Tuổi già sức yếu, bây giờ chị phải trông cậy toàn bộ vào các con. Nước mắt rưng rưng, chị Xuân tâm sự: “Nhà nghèo quá, vì phải mưu sinh để lo cho 7 đứa con ăn học mà tôi không hề nghĩ đến hậu quả của nó. Bây giờ có cho tôi cũng không dám làm nữa”. Chị kể lúc đi khám, bác sĩ bảo rằng nếu bị nhiễm độc nặng thì có thể bị ảnh hưởng đến thận, suy hô hấp thậm chí tử vong. “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi. Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ đến bà con làm vàng rằng không nên dùng thủy ngân nữa, vì nó cực kỳ nguy hiểm”, chị Xuân xúc động.

Nỗ lực vì môi trường lao động không thủy ngân

Theo nghiên cứu, khí độc của thủy ngân có thể ảnh hưởng mạnh đến phổi của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngoài ra, thủy ngân dễ dàng liên kết với chất béo trong máu và mô khiến nội tạng của con người bị ảnh hưởng, đặc biệt là hệ thần kinh. Chất lỏng này còn có thể xuyên qua cuống nhau để lọt vào tử cung.

Được biết, hiện trên địa bàn xã Tam Lãnh vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng hóa chất độc hại này để làm vàng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thủy ngân  là rất cấp bách và cần thiết. Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Quang Ngũ, Giám đốc điều hành mỏ vàng Bồng Miêu - đơn vị khai thác và tinh luyện vàng lớn nhất Việt Nam (do Besra Việt Nam là chủ đầu tư) nhưng không dùng thủy ngân để tinh luyện vàng - bộc bạch: “Công ty chúng tôi đã và sẽ không bao giờ sử dụng loại hóa chất độc hại này. Hệ thống xử lý nước thải của công ty được xây dựng bài bản, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên khi làm việc trong nhà máy cũng như đảm bảo môi trường an toàn cho cộng đồng địa phương. Qua câu chuyện chị Xuân, Besra và Vàng Bồng Miêu mong người dân hãy thức tỉnh, tuyệt đối không sử dụng thủy ngân để làm vàng cũng như mong muốn được kết hợp với chính quyền địa phương để  tư vấn và tuyên truyền cho  người dân được biết để phòng tránh tác hại của kim loại độc hại này”.

Ông trời rủ lòng thương, khi biết được trường hợp chị Xuân, Besra Việt Nam đã cử cán bộ đến tìm hiểu và quyết định giúp đỡ chị tiếp tục chữa bệnh với tổng chi phí 23 triệu đồng. Trước tấm lòng của mọi người, giọng chị Xuân run run: “Tôi thực sự xúc động và không biết nói gì hơn. Tôi đã có hi vọng được tiếp tục chữa bệnh và sống lại cuộc đời thứ 2 của mình”. Còn ông Đinh Văn Truyền, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lãnh nói: “Chính quyền địa phương ghi nhận những nỗ lực trên của  Besra Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người dân về tác động nguy hiểm, lâu dài của thủy ngân để giúp họ ngừng hẳn việc sử dụng thủy ngân để làm vàng”.

Vào ngày 4.7, ông Phạm Quang Ngũ, đại diện của Besra Việt Nam đã trao 5 triệu đồng tiền mặt đầu tiên cho chị Xuân. Từ tháng 8.2014 đến tháng 7.2015, mỗi tháng công ty sẽ hỗ trợ chị Xuân 1,5 triệu đồng chữa bệnh.

Hà Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.