Những người khai thác yến

21/10/2014 09:51 GMT+7

Mỗi năm hai đợt, vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch, đội quân “đặc biệt” ấy lại tiếp cận các hang đá ở những đảo hoang giữa trùng khơi để bắt đầu công việc treo người trên những vách đá cheo leo để khai thác tổ yến. Ông Võ Văn Cam, trưởng Ban kỹ thuật thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa, người đã gắn với nghề này ngót 30 năm qua gọi đó là “cái nghiệp”.

Khai thác yến sào của Công nhân Công ty Yến sào Khánh Hòa - Ảnh do Công ty yến sào Khánh Hòa cung cấp

Một góc đảo yến - Ảnh: Hải Viên

“Nghiệp” truyền đời

Theo sử liệu, nghề khai thác tổ yến ở Khánh Hòa có từ thời nhà Trần (1328) nhưng suốt 7-8 thế kỷ qua, đội quân hành nghề khai thác yến sào trên các đảo hoang tại địa phương này cũng chỉ vỏn vẹn vài trung đội (60 người). Nó không giống với bất cứ nghề nào khác là có thể phát triển nguồn nhân lực theo cấp số… nhân, để trở thành thợ của nghề này phải là những người có đầy đủ các yếu tố như tinh thông thổ địa, am tường nghề nghiệp, sức khỏe dư thừa, thần kinh vững vàng và “mê” nghề nữa. Có người cho rằng, nghề này mang tính cha truyền con nối.

Cha ông Cam đã gắn trọn đời mình với “cây sào” để khai thác yến từ những năm 50 của thế kỷ trước. “Lên 9 lên 10, vào mỗi dịp hè, tôi thường theo cha để ra các đảo khai thác yến. Tôi đã chứng kiến cảnh “treo người trên vách đá” của những người thợ và “mê” sự mạo hiểm này ngay từ nhỏ”, ông Cam nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ mình nhưng cũng gián tiếp lý giải vì sao, đa số thợ khai thác yến hiện nay đều có gốc gác với nghề từ cha ông họ. Ông Cam gọi nghề khai thác yến sào là “cái nghiệp” cũng vì lẽ đó.

Treo người trên vách đá

 

 “Hơn 20 năm qua, kể từ khi Công ty Yến sào Khánh Hòa được thành lập, chưa có một vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra đối với người thợ khai thác yến. Ngoài sự cẩn trọng của mỗi người thợ còn phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Công ty. An toàn cho người thợ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý, vì vậy, anh em luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất về bảo hiểm khi khai thác” (Ông Võ Văn Cam).

Yến là loài chim cực khôn trong việc chọn lựa vị trí để làm tổ. Không phải hang động nào ở các đảo cũng được chim yến để mắt đến. Bằng chứng là ở Phú Yên cũng có nhiều đảo na ná như Khánh Hòa nhưng tuyệt nhiên không một con yến nào chọn để làm tổ cả. Ấy vậy mà ở Khánh Hòa có đến 32 hòn đảo với 162 hang được chim yến chọn làm nơi để sinh con đẻ cái.

Có những hang yến như ở Hòn Ngoại có đến hàng vạn tổ chim, ken dày trên các vách đá trong những hang động tối tăm. Loài chim yến chọn các vách đá để làm tổ có lẽ là nhằm không cho các “thế lực” khác một cơ hội nào để có thể chọc phá vào nơi duy trì nòi giống của chúng. Thế nhưng, loài chim bay không mỏi này lại thua con người về sự khôn ranh và thông minh. Những người thợ khai thác yến đã tạo cho mình “đôi cánh” để có thể tiếp cận với những tổ chim nằm ở vị trí cheo leo nhất, hun hút nhất trong các hang động.

Dù đã mấy trăm năm khai thác yến sào nhưng như đã nói, do đặc thù của nghề nên việc khai thác tổ yến của những người thợ không có gì khác mấy. Vẫn là những chiếc thang được làm bằng tre, vẫn là những sợi dây buộc bằng mây rừng. “Không thể làm giàn giáo bằng khung sắt được. Cũng không thể buộc các cây tre lại bằng dây kẽm.

Tre có sự dẻo dai, dây mây có tính đàn hồi. Hai loại cây này luôn gắn liền với nghề khai thác yến sào suốt mấy trăm năm qua mà không có thứ nguyên vật liệu nào có thể thay thế tốt hơn”, ông Cam lý giải. Cũng theo ông Cam, nếu có khác với cha ông ngày trước thì là ở chỗ, xưa ông cha làm một giàn giáo tốn 15 ngày, nay con cháu chỉ làm trong 9-10 ngày.

Nhưng dù làm các giàn giáo nhanh hay làm chậm thì công việc “đu người trên vách đá” vẫn không thay đổi. Có điều, nếu ngày xưa, ông cha họ chỉ biết lấy dây rừng làm “dây bảo hiểm” khi bám vào vách đá thì bây giờ, dây bảo hiểm phải là những loại dây đặc biệt, được đặt hàng từ các nhà máy chuyên dụng.

Tổ yến thường “treo” trên các vách đá nhưng không phải hang yến nào cũng có thể làm giàn giáo để tiếp cận mà có những nơi, người thợ phải leo lên đỉnh núi, sau đó dùng dây buộc vào người rồi bám theo vách đá để “xuống” hang, tiếp cận tới tổ chim. Những người thợ được phân công “leo” theo dạng này, sức lực, sự khéo léo, lòng dũng cảm và “tinh thần thép” của họ chẳng khác nào như một vận động viên leo núi. Vì vậy, trước khi “nhập môn” với nghề, các ứng viên luôn được kiểm tra rất kỹ về sức khỏe, đặc biệt là huyết áp và… thần kinh. Có những tổ chim ở quá xa, giàn giáo cao hàng chục mét, nếu thần kinh không vững, huyết áp không ổn định thì không thể “treo mình” như thế hàng giờ, hàng buổi được. Thường xuyên đối mặt với những rủi ro nên sự cẩn trọng và an toàn đối với người thợ luôn được đặt lên hàng đầu.

Hải Viên

>> Khai thác yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa
>> Lịch sử nghề yến sào tại Khánh Hòa
>> Giá tổ yến giảm 50%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.