Những ngày hội đua ngựa độc đáo

07/02/2014 09:07 GMT+7

Hiện nay trên đất nước ta, chỉ có hai địa phương còn lưu giữ, tổ chức quy mô ngày hội đua ngựa truyền thống hằng năm là hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) và ngày hội đua ngựa gò Thì Thùng xã An Xuân (H.Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Hiện nay trên đất nước ta, chỉ có hai địa phương còn lưu giữ, tổ chức quy mô ngày hội đua ngựa truyền thống hằng năm là hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) và ngày hội đua ngựa gò Thì Thùng xã An Xuân (H.Tuy An, tỉnh Phú Yên). 

 Đua ngựa tại gò Thì Thùng
Đua ngựa tại gò Thì Thùng xuân năm 2013 - Ảnh: Đào Tấn Trực

Theo những người bản địa, hội đua ngựa Bắc Hà đã có từ những năm đầu của thế kỷ 19. Trong những năm tháng chiến tranh, các chàng kỵ sĩ đều nhập ngũ chiến đấu bảo vệ tổ quốc nên ngày hội không thể duy trì. Sau năm 1975, người dân Bắc Hà đã khôi phục tổ chức lại hội đua ngựa nhưng chỉ vào những dịp lễ Tết. Mãi đến năm 2007, hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục trở lại vào tháng 6 hằng năm và được xem như sự kiện văn hóa độc đáo riêng tại phía Bắc.

Tại miền Trung, ngày hội đua ngựa truyền thống có một không hai ở cao nguyên gò Thì Thùng lại diễn ra sôi nổi vào ngày mồng 9 âm lịch hằng năm. Theo các cụ già địa phương, những người đã từng một thời “chinh chiến” trên lưng ngựa thì hội đua ngựa gò Thì Thùng đã có từ thời chống Pháp, đến những năm chiến tranh, vùng này trở thành căn cứ cách mạng với nhiều nhiệm vụ bức thiết hơn nên hội đua không thể duy trì. Từ những năm 1990, ngày hội đua ngựa duy nhất cả khu vực miền Trung - Tây nguyên đã được chính quyền và nhân dân An Xuân ấn định vào mùng 9 Tết hằng năm. Số người tham gia dự hội càng về sau càng đông, khắp trong và ngoài tỉnh.

Dù diễn ra ở hai địa phương cách nhau hơn 1.000 km, hai vùng có nét sinh hoạt văn hóa phong tục tập quán khác nhau nhưng những nét độc đáo đặc trưng của hai ngày hội đua ngựa này có những điểm khá giống nhau.

Trước hết, cả hai ngày hội đều được xuất phát, hình thành từ những trò chơi đua ngựa dân gian ở địa phương. Đó có thể là những lần cưỡi ngựa băng đồng, vượt đường xa hoặc thử sức thử tài vào dịp ngày mùa, lễ Tết của các thanh niên trong vùng. Dần dần, thú chơi này được người dân ủng hộ bổ sung rồi phát triển thành ngày hội của địa phương mình.

Nguồn gốc xuất phát như vậy nên các hoạt động của hai ngày ngày hội này cũng độc đáo theo phong cách bình dân. Nếu như ngựa dùng để đua ở Bắc Hà chủ yếu là những chú ngựa làm phương tiện để đi lại thì ngựa ở “trường đua” gò Thì Thùng lại là những bạn nhà nông quanh năm suốt tháng thồ chuối, cõng lúa, chở củi cho nông dân. Đặc biệt, ngựa đua ở gò Thì Thùng đa số là ngựa cái.

Các “chị” ngựa quanh năm gặm cỏ, ngủ ở ngoài đồng, không được tập dợt huấn luyện kỹ càng nên phần lớn khi vào trường đua, các chị cũng nũng nịu ngúng nguẩy không kém phần dễ thương. Chiều hôm trước còn thồ hàng, sáng hôm sau được chủ cho uống thau nước gạo xay thế là sẵn sàng ra trường đua “nhảy múa”. Khi ra sân, những “chị” ngựa mông teo, lưng khòm này được hóa trang thêm tấm vải màu phủ trên lưng cho thêm phần long trọng để đi quanh khán đài chào khán giả.

Có “chị” thấy khán giả đông nên không chịu theo sự điều khiển của chủ mà lẻn ra ngoài rừng keo, rừng bạch đàn để hóng mát rồi trốn bặt. Có “chị” vùng vằng một thời gian rồi “đồng ý” tham gia trận đua nhưng thử sức một hồi lại lạc khỏi đường đua, chạy vào giữa sân hay chưa chạy đủ số vòng đã dừng lại, chạy gấp đôi quãng đường đua theo quy định mà người chủ không tài nào ghì cương lại được.

Vì vậy, mỗi khi những vòng đua tăng tốc khán giả lại hồi hộp nóng lòng chờ đợi nhưng những khi có “tay đua” nào lạc đường chạy tán loạn thì những trận cười, những tràng vỗ tay lại sôi nổi hơn vì vui. Mặc dù hình dáng gầy yếu, thế nhưng trong trận đua các “chị” phải dốc sức, bám chân, ngay đuôi phi làm bụi đất tung mù. Tiếng trống giục, tiếng hò reo của hàng vạn khán giả nên không khí trường đua “nóng” dần lên. Đẹp mắt nhất là qua những khúc ôm cua, sự tranh tài của cả kỵ sĩ và kỵ mã thể hiện rất rõ. Tại đây có không ít trường hợp cả ngựa và người ngã nhào, đành phải bỏ cuộc giữa chừng…

Kết thúc ngày hội, ngày mai các “tay đua” lại ra đồng giống như chủ nhân của nó. Và cứ thế, “thầy trò” phải đợi đến ngày này năm sau để tranh tài.

Mặt hấp dẫn khác của những ngày hội đua ngựa này là sự chân chất của các kỵ sĩ. Nếu như tinh thần thượng võ của thanh niên Bắc Hà là những người con sinh ra tại thôn bản, ngày ngày gần gũi với nương rẫy, bên lưng ngựa, máng cỏ thì nài ngựa ở gò Thì Thùng là những anh nông dân quanh năm gắn với cây lúa ruộng đồng chính hiệu. Ông Nguyễn Văn Trường (60 tuổi), sống tại thôn Xuân Thành, xã An Xuân cho biết: “Tôi tham gia hội đua ngựa gò Thì Thùng bao nhiêu năm rồi cũng không nhớ, chỉ nhớ lúc còn thanh niên”. Dân nhà nông nên kinh nghiệm của anh Lê Văn Thu (xã An Hiệp, H.Tuy An), người đoạt giải nhất hội đua ngựa gò Thì Thùng năm 2013 cũng mộc mạc: “Để con ngựa đua nhanh, mình phải kẹp đôi chân chặt vào bụng ngựa, thân mình nằm rạp sát lưng ngựa, đồng thời dùng roi quất vào mông ngựa, khi đó con ngựa mới phi hết lực”.

Bên cạnh đó còn khá nhiều điều độc đáo như sân cỏ trường đua mang tính dã chiến, tạm thời. Khán giả đa số là nông dân những vùng, những tỉnh lân cận đến để cổ vũ hò reo giải trí vui vẻ chứ không ăn thua, cá độ. Tính chất của ngày hội bình dân thể hiện tinh thần thể thao văn hóa và nét đẹp của một vùng đất đa số bằng nghề nông. Bao nhiều đó cũng đủ để khẳng định đây là hai ngày hội đua ngựa độc đáo không chỉ của địa phương, vùng miền mà ở cả nước ta.

Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.