Nhung nai ế ẩm

23/12/2014 09:00 GMT+7

Nhung nai tụt giá, thị trường tiêu thụ giảm khiến người nuôi nai ở Đắk Lắk lâm cảnh khó.

Nhung nai tụt giá, thị trường tiêu thụ giảm khiến người nuôi nai ở Đắk Lắk lâm cảnh khó.

 
 Người nuôi nai không có lời, hoặc thua lỗ do nhung nai rớt giá, ế ẩm.
Người nuôi nai không có lời, hoặc thua lỗ do nhung nai rớt giá, ế ẩm.
Bán không được, ngâm rượu uống
Mở ngăn đá tủ lạnh trong nhà, ông Trần Trọng Khánh, ở thôn 2, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lấy ra cặp nhung nai nặng gần 1 kg vừa cắt trước đó 20 ngày, gốc nhung còn rướm huyết đỏ tươi. “Vào thời điểm được giá nhất của các năm trước, cặp nhung đẹp này có thể tới 10 triệu đồng, nay giá chỉ khoảng 4-5 triệu đồng; nhưng hơn nửa tháng nay không có người mua, tôi phải bảo quản lạnh”, ông Khánh trần tình. Theo ông Khánh, mỗi năm có 2 đợt lấy nhung nai, tùy theo giống nai và độ tuổi, một con nai bình quân mỗi lần cho từ 1 đến hơn 3 kg nhung. Tuy vậy, không phải nhung lớn thì giá càng cao; giá chỉ khá đối với cặp nhung độ 1-1,5 kg vì ở độ cân này nhung nai được cho là có phẩm chất tốt hơn cả.
Mùa cắt nhung nai rộ nhất ở xã Cư Êbur, địa bàn nuôi nai tập trung của Đắk Lắk, là vào những tháng cuối năm. Đi dọc các thôn vùng nai có thể thấy khá nhiều biển treo trước các cổng nhà “Ở đây bán nhung nai”. Ông Khánh giải thích: “Hàng trăm hộ nuôi nai trong xã đều tự mình lo bán nhung, tự ra giá, giao dịch với khách hàng mà không qua một đơn vị thương mại nào. Vì vậy, người nào không tìm ra khách hàng thì phải tự xử lý sản phẩm, có thể sấy khô để bảo quản lâu hơn; không bán được thì “tự tiêu”; tặng, biếu người thân, hoặc… ngâm rượu uống”.
Ông Trần Toàn, một trong những hộ nuôi nhiều nai ở thôn 2, với số lượng 10 con, cho biết vừa rồi ông bán bớt 3 con cho người khác nuôi thành nai thịt. Theo ông Toàn, không chỉ nhung nai mà nai giống cũng xuống giá thê thảm. “Cách đây hơn 5 năm, khi sốt nuôi nai lên đỉnh điểm, con nai đực giống có giá tới 50 triệu đồng, nhưng nay chỉ còn hơn 10 triệu do nhung mất giá, không nhiều người mặn mà nuôi nữa”, ông Toàn nói.
Không nắm được thị trường
Ông Toàn cũng cho biết những năm trước có một thương lái ở Buôn Ma Thuột mua gom nhung nai trong vùng Cư Êbur đưa đi thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Nhưng năm nay do lo ngại rủi ro, người này không xuất khẩu, tiêu thụ chững lại nên nhung nai trở nên ế ẩm.
Theo ông Trần Trọng Khánh, người nuôi nai gần như không biết rõ thị trường tiêu thụ nhung nai ngoài một số cơ sở thường mua một lượng nhất định về chế biến thuốc đông y. “Khách hàng mua nhung không ổn định, đa phần ở ngoài tỉnh đến mua làm quà biếu; rất ít người mua về sử dụng làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe vì giá nhung nai khá đắt. Năm nào kinh tế khó khăn như năm nay thì người mua nhung cũng ít đi thấy rõ”, ông Khánh nhận xét.
Dù thành công với vật nuôi độc đáo có nguồn gốc hoang dã nhưng thực ra, nghề nuôi nai ở Cư Êbur chủ yếu là tự phát, chưa có sự liên kết “4 nhà” như ở các cây, con nông nghiệp khác. Cả xã có khoảng 800 hộ nuôi với trên 2.500 con nai; trong đó lượng nai cho nhung khoảng 1.500 con, sản lượng từ 4,5 - 5 tấn nhung mỗi năm. Theo ông Trần Cảm, Phó chủ tịch UBND xã Cư Êbur, năm nay giá nhung nai tụt giảm, mỗi kg mất đi khoảng 3-4 triệu đồng thì người nuôi thiệt hại ước đến hàng chục tỉ đồng. Ông Cảm cho rằng những yếu tố ảnh hưởng làm nhung nai ế ẩm là người nuôi còn hạn chế trong việc tìm “đầu ra”, không có đối tác đầu mối tiêu thụ ổn định và có thể do nguồn cung hiện đã vượt quá cầu.
“Chính quyền địa phương vẫn luôn động viên, hỗ trợ người nuôi nai giữ nghề, nhưng nếu giá thấp kéo dài thì cũng sẽ khuyến cáo ngưởi dân không nên phát triển số lượng nai nuôi quá mức, dễ dẫn đến thua lỗ do sản phẩm nhung nai dư thừa, mất giá”, ông Cảm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.