Nhộn nhịp thị trường kiểng trái

04/02/2015 10:34 GMT+7

Nhà vườn miền Tây đang ráo riết chuẩn bị để tung ra thị trường nhiều loại kiểng trái trồng trong chậu phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Nhà vườn miền Tây đang ráo riết chuẩn bị để tung ra thị trường nhiều loại kiểng trái trồng trong chậu phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Ông Lưu Văn Ràng bên những cây quýt hồng kiểng sai trái Ông Lưu Văn Ràng bên những cây quýt hồng kiểng sai trái - Ảnh: Đặng Ngọc
Kiểng quýt hồng lên đời
Nếu người chơi các loại kiểng thú, kiểng hoa thường quan tâm đến dáng cây, hoa lá... thì với kiểng trái, người ta chú ý đến trái, coi trái là đối tượng chính để ngắm nhìn và thưởng thức. Vì thế, mấy năm gần đây, nhiều người đã chọn những cây có trái đẹp, màu sắc hài hòa, tên gọi ý nghĩa để làm kiểng chưng tết, như quýt, bưởi, đu đủ, vú sữa, thanh long...

Chúng tôi muốn quýt hồng Lai Vung không chỉ được biết đến như thương hiệu trái cây ngon mà còn là cây cảnh đẹp

Ông Mai Quốc Hậu
Ông Lưu Văn Ràng (ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp) là nhà vườn đầu tiên thành công với mô hình trồng quýt trong chậu, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên số kiểng quýt hồng của ông ra trái trên 98%. Ông sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 360 chậu, với giá trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/chậu. “Đến thời điểm này, số quýt hồng trồng trong chậu của tôi đã có chủ, chỉ còn chờ ngày là thương lái đến lấy. Tính ra vụ tết này, tôi bỏ túi khoảng 250 triệu đồng”, ông Ràng khoe.
Theo ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, hiện toàn huyện có khoảng 10 hộ trồng quýt hồng trong chậu, chuẩn bị cung cho thị trường tết trên 1.000 chậu, tăng 10 - 15% so năm trước. Do người tiêu dùng rất chuộng quýt hồng kiểng chưng tết nên huyện đang phát triển mô hình trồng quýt áp dụng khoa học kỹ thuật, mang lại năng suất cao.
“Chúng tôi muốn quýt hồng Lai Vung không chỉ được biết đến như thương hiệu trái cây ngon mà còn là cây cảnh đẹp”, ông Hậu nói.
Thị trường ưa chuộng
Còn tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), ông Nguyễn Thanh Công cũng đang tập trung chăm sóc vườn kiểng trái của mình. Từng tạo dáng thành công các loại kiểng cổ thụ, kiểng nghệ thuật nên ông không gặp nhiều khó khăn trong việc trồng kiểng trái. Theo ông Công, muốn tạo được một cây kiểng trái đầy sức sống, đòi hỏi người chơi phải có trình độ kỹ thuật cao, dạn dày kinh nghiệm và chịu bỏ ra nhiều thời gian. Đối với những cây lâu năm như vú sữa, me, sơ ri... người trồng thường chọn cây có dáng thế hùng mạnh, gân guốc, tàn nhánh hài hòa. Riêng các loại cam, quýt, bưởi, đu đủ… phải chăm sóc ngoài tự nhiên trước khi cho vào chậu. Muốn cây sai trái, màu sắc đẹp, nhà vườn phải theo dõi, xử lý phân thuốc từ lúc mới ra hoa cho đến khi đậu trái, khó nhất là làm thế nào để cây ra trái đúng ngay dịp tết, cũng như mai vàng nở đúng giao thừa.
Vào thời điểm này, anh Nguyễn Thành Đạt (ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre) đang tất bật vô chậu hàng trăm cây bưởi có trái để đưa đi bán tết, với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/chậu. Còn anh Lê Văn Đông (ngụ phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) cũng dự tính cung cấp ra thị trường gần 100 chậu đu đủ kiểng (cao từ 0,8 - 1 m) đang cho trái sum sê, bán với giá 500.00 - 700.000 đồng/chậu.
Anh Đông cho biết mấy năm gần đây, năm nào anh cũng đầu tư trồng đu đủ kiểng và kiếm lời hơn chục triệu đồng, đủ lo cho gia đình ăn tết. Do đu đủ rất khó trồng và ra trái vào đúng tết nên tỷ lệ thành công không cao. Các nhà vườn chỉ cung ứng cho thị trường mỗi năm vài trăm cây nên được tiêu thụ rất mạnh.
So với một số loại kiểng thông thường, giá kiểng trái luôn ở mức cao vì người trồng mất nhiều thời gian đầu tư và chăm sóc. Những cây kiểng nghệ thuật như vú sữa, sơ ri… có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Dù giá cao nhưng kiểng trái vẫn được nhiều người chọn mua bởi loại kiểng này không những lạ, đẹp mắt mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới viên mãn, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.