Nhộn nhịp mùa đường thốt nốt

20/02/2013 09:00 GMT+7

Người dân vùng Bảy Núi (An Giang) đang vào mùa thắng đường thốt nốt để phục vụ nhu cầu của du khách trong những ngày tháng giêng và lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Ngào ngạt hương thơm

Ngày nay, đường thốt nốt được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi và danh tiếng đã vang xa. Không biết cây thốt nốt có mặt ở đây từ khi nào, nhưng đồng bào dân tộc Khmer cho biết cách lấy nước, thắng đường là do ông cha truyền lại. Hằng năm, cứ vào thời điểm này, nhà nhà trong phum, sóc lại nhộn nhịp thắng đường thốt nốt, mùi thơm lan tỏa khắp nơi.

Muốn lấy nước thốt nốt cho tiện, người ta chặt một cây tre gai già, thật dài và thẳng, mỗi nhánh để lại khoảng một gang tay, rồi cột cố định vào cây thốt nốt để làm thang leo. Khi lưỡi mèo (bông thốt nốt) ra dài là lúc cắt mạch để lấy nước. Nước mật chảy ra từng giọt được hứng vào ống tre hoặc chai nhựa treo ngay bên dưới. Đổ từng can nước thốt nốt vào nồi, bà Phan Thị Thúy (ở xã An Phú) hồ hởi nói: “Hổm ràỳ thốt nốt cho nước hứng không kịp thở. Từ sáng sớm đến chiều tối, chồng tôi leo hơn 100 cây thốt nốt để lấy nước mật. Một năm chỉ có một mùa thắng đường thốt nốt, từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến tháng 4 âm lịch. Rơi vào dịp tết, đường thốt nốt có giá càng cao”.

Nhộn nhịp mùa đường thốt nốt
Nấu đường thốt nốt ở H.Tịnh Biên (An Giang) - Ảnh: Công Hân

Ông Đoàn Văn Phóng, Chủ cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi (xã An Phú), cho biết hiện mỗi ngày, cơ sở của ông thu mua và thắng khoảng 500 kg đường các loại để cung ứng cho các chợ ở TX.Châu Đốc, TP.Cần Thơ, TP.HCM, Tây Ninh và các tỉnh phía Bắc. Năm nay, nhờ khí hậu mát mẻ nên cây thốt nốt “sung sức”, cho năng suất cao; đường thốt nốt được bán với giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg. “Trong tháng giêng, du khách mua đường thốt rất mạnh. Bạn hàng tại các chợ cứ hối thúc giao hàng mà cơ sở của tôi làm không kịp. Đường thốt nốt được du khách ưa chuộng vì khi dùng để nấu chè hay làm bánh thì món ăn thường rất ngon và có mùi thơm đặc trưng”, ông Phóng nói.

Tạo việc làm

Mùa nấu đường thốt đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở vùng Bảy Núi. Anh Lê Thanh Phong, một nông dân có thâm niên trong nghề thắng đường thốt nốt, khẳng định: “Ở vùng đất núi này, cây thốt nốt đã đem lại thu nhập cho chúng tôi. Mỗi ngày tôi kiếm được ngót nghét hơn 100.000 đồng. Mùa khô, cây cối ở đây đều cằn cỗi do thiếu nước tưới, chỉ có cây thốt nốt mới chống chọi được với cái nắng hạn khắc nghiệt và cho nước mật nấu thành đường”.

Nhộn nhịp mùa đường thốt nốt
Đường thốt nốt được đổ thành tán cân cho thương lái - Ảnh: Trường An

Cũng theo anh Phong, chi phí đầu tư cho việc thuê cây thốt nốt và chất đốt năm nay ở mức trên trung bình nên bà con nấu đường có lời. Chỉ tay về phía những cây thốt nốt được trồng thẳng tắp quanh bờ ruộng, anh Phong cho biết, anh thuê lại của các hộ dân tộc Khmer với giá 6 - 7 triệu đồng/năm. Mùa nắng gắt, cây cho khoảng 7 lít nước thì thắng được 1 kg đường, còn vào mùa mưa phải từ 9 - 10 lít mới cho ra 1 kg đường. “Sáng nào cũng vậy, vợ chồng tôi tranh thủ đi lấy nước thốt nốt đem về nhà, nếu để đến trưa thì nước sẽ bị ôi chua. Muốn có một mẻ đường thơm ngon phải đun sôi 5 - 6 giờ liền để đường sánh lại. Vào thời điểm này, thương lái đến cân nườm nượp. Dứt vụ thu hoạch, bỏ sở hụi, tôi kiếm lời trên 25 triệu đồng”, anh Phong phấn khởi nói.

Từ lâu, nghề thắng đường thốt nốt đã gắn bó với đời sống bà con vùng Bảy Núi. Cũng nhờ nghề này mà rất nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Theo thống kê của Phòng Công thương H.Tịnh Biên, toàn huyện có trên 1.000 hộ sản xuất và chế biến đường thốt nốt; trong đó có đông đồng bào dân tộc Khmer, tập trung ở các xã: Vĩnh Trung, An Phú, Văn Giáo, Nhơn Hưng, Tân Lợi và An Cư. Để giữ vững thương hiệu đường thốt nốt, những năm qua, H.Tịnh Biên đã hỗ trợ các hộ đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm. Mới đây, ấp Phú Nhứt (xã An Phú) vừa được tỉnh An Giang công nhận là làng nghề chế biến đường thốt nốt.

TRƯỜNG AN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.