Nhà khảo cổ nhí ở Hoàng Thành Thăng Long

18/11/2014 08:55 GMT+7

Cào đất, nghịch cát, bôi màu đến nhễ nhại mồ hôi ở Hoàng Thành Thăng Long là công việc của các nhà khảo cổ nhí. Các chuyên gia UNESCO cho rằng, đó là một trong những cách để phát huy giá trị di sản...

 Nhà khảo cổ nhí ở Hoàng Thành Thăng Long
Các nhà khảo cổ nhí vui sướng khi tham gia “tour du lịch di sản” - Ảnh: Ngữ Thiên

Khi 11 em nhỏ lớp 5A1, trường tiểu học Hoàng Diệu (Q. Ba Đình, Hà Nội) đứng lên bục để nhận chứng chỉ Nhà khảo cổ học trẻ tuổi, các em đã thật vui. Sau một buổi chiều hết ở hố khảo cổ, lại làm bản dập hoa văn trên những chiếc lá đề đất nung, có em tóc vẫn còn bết mồ hôi. Nhưng, vui thật vui, bổ ích thật bổ ích. “Trước đây, em chỉ được nghe nói về khu di tích chứ chưa được vào xem tận nơi. Hôm nay còn được “làm khảo cổ” thật, em thích lắm, chẳng thấy mệt gì cả...”, cô bé Khánh Hà hào hứng.

Dường như khảo cổ học, trong nhận thức của nhiều người dân, là câu chuyện ở xa tắp. Những thành quách, di vật mà họ đào được trông thật bình thường. Giá như nó ánh lên như vàng, có lẽ giá trị của cả hiện vật lẫn nhà khảo cổ sẽ dễ được công nhận hơn. Ngay cả Hoàng Thành Thăng Long- một khu di sản thế giới- số người tới thăm cũng không nhiều. Trong nhiều hội thảo khoa học, câu chuyện bên lề thường có là làm thế nào để người dân hiểu về Hoàng Thành được nhiều hơn. Có hiểu, mới có thể yêu nó đúng như Hoàng Thành xứng đáng được thế.

 
Theo lịch trình, “Em làm nhà khảo cổ” sẽ được duy trì hàng tuần đến hết năm 2014. Mỗi tuần sẽ có một nhóm từ 10 - 12 em học sinh tiểu học tham gia để trở thành nhà khảo cổ học nhỏ tuổi. Đăng ký tham gia chương trình tại địa chỉ: emlamnhakhaoco@gmail.com.

Vì vậy, UNESCO và Trung tâm bảo tồn văn hóa Thăng Long Hà Nội đã cùng thiết kế chương trình “Em làm nhà khảo cổ” để kéo người trẻ tới với di sản. Nó cũng được nhắc tới trong hội thảo phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Chương trình được thiết kế xinh xắn trong 2 tiếng, phù hợp với một chuyến đi chơi ngắn của các em trong ngày nghỉ.

Trong giờ đầu tiên, các em được đưa ra hố khai quật. Sau hướng dẫn của các nhà khảo cổ học tại trung tâm, các em đã có thể tự mình thao tác những kỹ năng cơ bản như làm sạch mặt bằng di tích, đo vẽ chụp ảnh hiện vật, lập phiếu thông tin cho hố khai quật. “Cần nhất là sự tỷ mỷ, sau đó đến sự dẻo dai. Tự mình làm các em sẽ nhớ và hiểu hơn công việc khảo cổ, vui hơn khi phát hiện di vật dưới những lớp đất di tích”, anh Kỳ Nam- một người hướng dẫn “tour khám phá di sản” này nói.

Trong giờ thứ hai, các em sẽ được chuyển sang Góc khám phá. Tại khu này, các em làm việc theo nhóm để xếp hình hiện vật, hoa văn tiêu biểu. Xếp cột cờ, thềm rồng điện Kính Thiên thật vui. Các hoa văn tiêu biểu trên hiện vật ở Hoàng Thành Thăng Long đẹp hoàn mỹ. Bài tập vẽ hiện vật tượng đầu rồng, đầu phượng, bát gốm hoa lam, khó hơn. Vì thế, với một số hoa văn, các em không vẽ mà dập bản khắc rồi tô màu lên đó. “Các em đều hào hứng với việc mang bản dập này về nhà”, chị Thủy - một cán bộ của chương trình nói.

“Chương trình có nhiều điểm tương đồng với cách dạy khảo cổ học cộng đồng đã thành công ở Nhật Bản”, PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ nói. “Các em được tự mình khám phá, lắp ghép các bình gốm, các hoa văn truyền thống. Những kiến thức này sau đó được nhập tâm rất lâu, và cũng là một dấu ấn tình cảm tốt”.

Ngữ Thiên- Trinh Nguyễn

>> Hoàng thành Thăng Long bị xâm hại tàn nhẫn
>> Hoàng thành Thăng Long cha chung không ai khóc!
>> Hoàng thành Thăng Long ngập nước
>> Bàn giao khu cuối cùng của Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.