Nguy cơ mất thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng

13/05/2014 08:22 GMT+7

Nghề làm khô cá sặc rằn ở U Minh Thượng (Kiên Giang) có nguy cơ bị mai một do người dân không còn mặn mà nuôi loài cá này, dẫn đến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt trầm trọng.

Nghề làm khô cá sặc rằn ở U Minh Thượng (Kiên Giang) có nguy cơ bị mai một do người dân không còn mặn mà nuôi loài cá này, dẫn đến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt trầm trọng.

 Cá sặc rằn
Ông Nguyễn Thanh Sử nuôi cá sặc rằn nhưng khi thu hoạch hầu hết là các loại cá nước ngọt khác - Ảnh: H.Cúc

Nguy cơ mất thương hiệu

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, hiện trên địa bàn chỉ còn 29 hộ nuôi cá sặc rằn, với khoảng 29 ha mặt nước, chủ yếu ở 2 xã vùng đệm là An Minh Bắc và Minh Thuận. Trong khi đó, toàn huyện có đến 4.020 ha mặt nước được người dân thả nuôi các loại cá nước ngọt khác như trê, rô, lóc… do dễ bán, lợi nhuận cao hơn. Nhiều người lo ngại thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng sẽ mau chóng bị mai một và dần biến mất do nguồn nguyên liệu ngày càng sụt giảm.

Trước tình hình trên, năm 2012, Trạm Khuyến nông phối hợp với Hội Nông dân H.U Minh Thượng triển khai nuôi thử nghiệm cá sặc rằn tại một nông hộ ở ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận. Sau khi cấp 70 kg cá giống (loại cá non), Trạm Khuyến nông huyện còn hỗ trợ thức ăn, cử kỹ sư xuống theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật. Ông Nguyễn Thanh Sử, người được chọn nuôi thử nghiệm cá sặc rằn, cho biết sau khi nuôi, cá bắt đầu thích nghi với nguồn nước. Thế nhưng, cá sặc rằn con rất dễ hao hụt do bị các loài cá khác trong ao ăn và mất trộm. Do vậy, sau hơn một năm thả nuôi, ông Sử thu hoạch chỉ khoảng 70 kg cá sặc rằn loại từ 10 - 12 con/kg và bán giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, tùy theo loại lớn nhỏ. Theo ông Sử, nếu tính đủ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc... thì bị lỗ nặng; không hiệu quả bằng nuôi các loài cá nước ngọt khác, thậm chí thua cả cá mè, cá trôi, rô phi và trê vàng lai.

Hỗ trợ người nuôi cá

Thực tế trên đang làm những người chuyên làm khô cá sặc rằn hết sức lo âu. Bởi muốn làm ra 1 kg khô thành phẩm phải mất từ 2,8 - 3 kg cá tươi. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, người làm khô chỉ lời khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi mỗi năm chỉ làm được một vụ. Hiện có 16 hộ chuyên làm nghề này ở U Minh Thượng đang tính chuyện bỏ nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, hiện Hội Nông dân huyện đang nghiên cứu đề tài khoa học về mô hình nuôi cá đồng. Ngoài các loài cá đặc trưng trước đây, như lóc, trê, rô, thác lác thì phải tính đến chuyện nuôi cá sặc rằn để bảo hộ thương hiệu khô ở vùng này. Bên cạnh đó, phải tính toán phương án sản xuất phù hợp ở từng địa phương, như xen canh hoặc đa canh, mô hình nào có lợi cho dân thì triển khai thực hiện. Trước mắt, huyện sẽ tiến hành thành lập các tổ hợp tác nuôi cá sặc rằn ở một số nông hộ trong vùng đệm (mỗi hộ được giao khoán 1 ha mặt nước), chứ hiện nay chủ yếu nuôi tự phát nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả không cao.

Thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2011. Từ đó, nhiều nông dân vùng này đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có nuôi cá và làm ra sản phẩm khô bán để thoát nghèo. Thế nhưng, những khó khăn từ nguồn nguyên liệu đang đặt nghề làm khô ở đây đứng trước nguy cơ thiếu bền vững. Từ thực tế trên, để bảo đảm nguồn nguyên liệu vừa đủ cung cấp cho người làm khô và giữ được thương hiệu truyền thống, năm 2014, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Kiên Giang đã đồng ý hỗ trợ cho Hội Nông dân H.U Minh Thượng 500 triệu đồng để phát triển nuôi cá đồng, trong đó chú trọng nuôi cá sặc rằn. Huyện cũng đang tích cực triển khai đến các nông hộ để sớm phục hồi sản lượng cá sặc rằn và cũng là giải pháp giữ gìn thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng nổi tiếng.

Hồng Cúc

>> Gỏi xoài khô cá sặc
>> Cảnh giác với khô cá dứa giả
>> Khô cá thia
>> Thơm ngon khô cá dảnh miền Tây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.