Người chinh phục vùng đất núi

09/04/2013 10:22 GMT+7

Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, nông dân Võ Văn Quýt đã biến mảnh đất khô cằn, sỏi đá sau lưng núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) thành khu vườn cây trái xanh um, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khai hoang rừng rậm

Ông Võ Văn Quýt (Út Quýt, 67 tuổi) nhớ lại hồi đó, vợ chồng ông lội bộ hơn chục cây số đến vùng đất Ba Xoài và quyết định chọn đại một mảnh đất trên núi để khai phá lập vườn. Ngày xưa, vùng đất này cây le, dây rừng, cỏ dại… mọc đầy. Không nản chí, vợ chồng Út Quýt hì hục phát hoang đốt rẫy, khai khẩn được 20 công vườn. Lúc đầu, chỉ vào mùa mưa mới trồng được các loại cây như đậu xanh, mãng cầu ta và xen canh thêm một số cây màu.

Theo ông Út Quýt, hồi ấy ở vùng này rất hoang vắng vì có ít người qua lại. Người làm phải giữ vườn thật kỹ, bởi thú rừng nhiều vô kể. Trời vừa sụp tối là heo rừng, khỉ… kéo cả bầy xuống ủi, lật tung cây cối. Nhà nào có vườn cũng nuôi 3, 4 con chó để đuổi thú rừng… Sau 3 năm bỏ công chăm sóc, khu vườn của ông đã trở nên xanh tốt. Làm ngày càng nở nồi, ông mua thêm 50 công đồi gần đó. Khoảng năm 1996, Hạt kiểm lâm H.Tịnh Biên phát động trồng cây gây rừng phủ xanh vùng đất núi, ông Út Quýt mạnh dạn đi đầu hưởng ứng. Ông đến Hạt Kiểm lâm nhận về hàng ngàn cây xoài, bưởi đem trồng trên mảnh vườn của mình. Lấy ngắn nuôi dài, ông Út Quýt còn trồng xen canh cả cây tràm bông vàng.

Người chinh phục vùng đất núi
Mặc dù vào mùa khô nhưng ông Út Quýt vẫn có đủ nước tưới vườn

Tìm được mạch nước ngầm

Dẫn chúng tôi ra xem khu vườn đầy cây trái, ông nói: “Xưa kia đất đâu được như vầy. Mất cả chục năm ròng, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi cày cuốc mới trở thành đất màu mỡ. Hồi đó, mình chỉ nghĩ làm được vài năm thì quay trở về quê ở Ba Chúc (H.Tri Tôn) làm ruộng. Bởi lẽ đất toàn sỏi đá, tưởng trồng cây không hiệu quả. Từng nhát cuốc bổ xuống trúng phải đá, dội lại rát tay...”. Mỗi ngày, vợ chồng ông kiên nhẫn lượm từng hòn đá chất thành bờ mẫu, riết đất mới thành khoảnh như ngày hôm nay. Chính ông cũng không ngờ rằng mảnh đất trên núi đã níu chân gia đình ông ở lại.

Tuy nhiên, ở vùng đất núi này, ngoài đất tốt thì nguồn nước cũng quan trọng không kém. Có năm thiếu nước tưới, vườn nhà ông cây bị khô héo, èo uột. Quyết không để vườn chết, ông cùng con trai lớn lên núi tìm mạch nước ngầm. Lội bộ gần 1 cây số, ông thấy trên một vách đá có bám đám rong rêu, cạnh đó cây cối mọc xanh um. Ông mới dùng xà beng cạy thử và nước rỉ ra. Hai cha con mừng quá, dùng búa, đục nạy tới tấp, mạch nước xì ra càng mạnh. Thử một hớp, ông thấy nước mát lạnh như nước khoáng. Sau đó, ông dùng ống nhựa kéo nước sang những hố dự trữ để tưới vườn và xài quanh năm. “Nhờ ơn trời cho mạch nước ngầm mà vườn tược của tôi xanh tốt quanh năm, nhất là vườn xoài luôn cho trái trĩu cành”, ông Út Quýt nói.

Sau 5 năm, năng suất vườn xoài của ông Út Quýt tăng dần. Bình quân mỗi năm, dứt vụ ông thu hoạch được hàng chục tấn, bạn hàng khắp nơi đến thu mua nườm nượp. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ông lời hơn 300 triệu đồng. Ngoài các loại xoài thông thường, ông Út Quýt còn đầu tư trồng thêm xoài cát Hòa Lộc để tăng thu nhập và đa dạng hóa cây trồng. Kinh nghiệm nhiều năm trồng xoài cho thấy, hễ năm nào đến vụ thu hoạch rộ là xoài rớt giá. Ông cho biết những năm vào mùa chính, 1 kg xoài chỉ có giá vài ba ngàn đồng. Để có nguồn thu ổn định, ông Út Quýt mạnh dạn cho xoài ra trái nghịch mùa. “Vào khoảng tháng 7, tôi  kích thích cho xoài ra hoa, kéo dài đến tháng 11, 12 thì bẻ bán dần. Lúc này xoài cát Hòa Lộc có giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, còn xoài bưởi hơn 15.000 đồng/kg”, ông Út Quýt cho biết.

Vậy là hơn 20 năm miệt mài chinh phục vùng đất núi, ông Võ Văn Quýt đã thu được quả ngọt từ mảnh đất khô cằn, sỏi đá.

Trường An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.