Ngồi xe lăn để làm... xe lăn

20/08/2013 08:53 GMT+7

Ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội), có một người thợ đặc biệt: ông Nguyễn Trung - Giám đốc trung tâm “Sống độc lập”, công việc của ông là chế tạo xe lăn trong khi mình cũng ngồi xe lăn.

Gọi là trung tâm cho sang, chứ xưởng xe lăn của ông Trung chỉ là căn phòng tập thể lụp xụp. Giữa ngổn ngang máy móc, ông Trung tóc muối tiêu, người đầy bụi bặm thoăn thoắt uốn, gõ, hàn… Mười lăm năm nay, ông đi trên “hành trình tìm đôi chân cho người cùng cảnh ngộ” như ông nói, bằng công việc này.

Sinh ra trong một gia đình gốc Quảng Nam, ông bị bệnh bại liệt từ năm lên hai tuổi. Tuy nhiên, nghị lực đã giúp ông Trung trong học tập và tự học thành thạo tiếng Nga đến trình độ có thể tự dịch sách kiếm sống, sau đó được nhận vào trường Đại học Ngoại giao để làm công việc dịch tài liệu đến khi về hưu.

Bà Liên, vợ ông Trung tự hào kể về chồng: anh Trung năm nay đã 64 mà vẫn nhanh nhẹn lắm, từ sinh hoạt cá nhân đến việc cơ khí vất vả đều làm được hết, chỉ phải cái nóng tính!

Thời bao cấp, ông Trung được cha thuê một người thợ sắt làm cho một chiếc xe lăn nhưng xe nặng, khó di chuyển bằng tay và hỏng liên tục. Mùa đông, tay tê cóng không thể quay bánh, khi trời mưa hay đường gồ ghề thì phải nhờ người đẩy. Mỗi khi xe hỏng, cậu bé Trung không được ra ngoài, mong muốn tự làm ra một chiếc xe lăn bắt đầu từ đó.

Năm 1996, ông Trung được mời tham dự lớp tập huấn về bảo dưỡng, thiết kế và sản xuất xe lăn ở Bangkok (Thái Lan) theo chương trình "Người đi xe lăn sản xuất xe lăn" do một tổ chức của Nhật Bản tài trợ.

Khi đó, ở Việt Nam xe lăn loại tốt đều phải nhập khẩu giá cao và không có phụ tùng thay thế. Với mong ước ngày nào, ông Trung quyết định mua một chiếc xe lăn mới tinh về nhà rồi "phá".

“Phá đi lắp lại khoảng chục lần, tôi tìm ra ưu, nhược điểm của nhà sản xuất rồi cóp tiền mở xưởng sản xuất “Sống độc lập” để làm xe lăn”, ông Trung nói.

Nghề cơ khí với người khỏe mạnh đã khó, với người khuyết tật lại càng khó hơn. Sẵn khéo tay từ nhỏ nên việc hàn, nguội, tiện… ông mua sách rồi mày mò làm theo.

Chiếc xe lăn đầu tiên ra đời năm 1997 làm hoàn toàn bằng nguyên liệu dễ kiếm như ống inox, bánh xe đạp, vải dù… nhẹ tay lái, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng. Ông đã dùng chiếc xe ấy suốt một năm để quảng cáo là xe tốt, lại rẻ và được mọi người tin tưởng, đặt hàng. 

Hơn chục năm nay, mỗi tháng ông có dăm bảy đơn hàng. Làm một mình thì cả tuần mới được một xe nên có khi phải gọi con cháu đến phụ việc.

Mỗi khách hàng, ông nhìn vào khuyết tật của họ để tư vấn làm ra loại xe phù hợp. Khi chúng tôi đến thì căn nhà chật hẹp với chiếc xe lăn gắn máy đang hoàn thiện đầy mùi hàn xì oi nồng, cay xè mắt.

Vợ ông bảo: “Anh ấy mê quá, còn tôi chỉ lo hai vợ chồng sinh bệnh vì bụi bặm. Nóng là thế này mà cứ cưa cắt, hàn vá cả ngày”.

Thay vì vẽ tay, 5 năm nay ông dùng máy tính để thiết kế rồi mới làm. Bán xe lăn có khi lỗ, khi lãi. Lương hưu được hơn 3 triệu đồng một tháng, ông đầu tư cả cho xưởng và chưa bao giờ tính xem mỗi tháng để ra được bao nhiêu.

Chiều chiều, rảnh việc, ông còn lên trang facebook cá nhân để giao lưu. “Một anh bạn Nhật khuyên tôi nên dùng facebook và hướng dẫn tôi “chơi facebook”. Anh ấy bảo có facebook thì việc quảng bá cho xe lăn thương hiệu Nguyễn Trung sẽ tốt hơn”.

Nha Trang

>> Tặng xe lăn
>> Phẫu thuật mắt và tặng xe lăn
>> Tặng xe lăn
>> Thi hoa hậu trên xe lăn
>> Lady Gaga "chơi trội" với xe lăn mạ vàng
>> Những chiếc xe lăn trong phân xưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.