Nghề sửa kiểng

24/09/2013 10:15 GMT+7

Bằng bàn tay tài hoa, các nghệ nhân có thể biến những cây kiểng hình dáng thô kệch, xấu xí thành kiểng độc, trị giá cả trăm triệu đồng.

Bằng bàn tay tài hoa, các nghệ nhân có thể biến những cây kiểng hình dáng thô kệch, xấu xí thành kiểng độc, trị giá cả trăm triệu đồng.

Nghề sửa kiểng
Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đang “thẩm mỹ” cho cây khế cổ thụ - Ảnh: Thiên Lộc

Chọn “thầy” gửi kiểng

ĐBSCL hiện có 3 khu vực trồng hoa và cây cảnh quy mô lớn là làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre) và Bà Bộ (TP.Cần Thơ). Ngoài kiểng trang trí nội, ngoại thất như kiểng chậu, kiểng treo, kiểng hoa viên... các làng hoa này còn nổi tiếng với kiểng nghệ thuật.

Phong trào chơi cây kiểng lan rộng đã kéo theo nghề sửa kiểng phát triển. Ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TX.Sa Đéc, cho biết: “Một cơ sở sản xuất kinh doanh hoa kiểng muốn thu hút được khách hàng, trước hết cần có nhiều cây kiểng đẹp. Để có kiểng đẹp phải nhờ đến bàn tay tài hoa của nghệ nhân sửa kiểng. Do vậy nghề sửa kiểng hiện nay rất thịnh hành và được khá nhiều người theo”.

Người sở hữu kiểng quý thường rất đắn đo khi chọn “thầy” sửa kiểng, bởi mỗi đường cắt, nhát đục lên thân cây đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Chỉ cần một sai sót có thể làm cây bị lỗi, mất đi giá trị thẩm mỹ

Ông Nguyễn Phước Lộc

Nghệ nhân sửa kiểng thường được chia ra 2 nhóm: nhóm chuyên sửa kiểng bông, kiểng trái, kiểng thú, kiểng hình, kiểng trang trí và nhóm chuyên về bonsai, kiểng cổ, tiểu cảnh, các loại cây cảnh nghệ thuật khác. Nhóm thứ hai đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao, trình độ chuyên môn vững vàng, óc thẩm mỹ tinh tế, đồng thời có kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng của từng loại cây. Khi bắt tay vào tạo dáng, nghệ nhân sẽ vận dụng kỹ thuật cắt tỉa, đục đẽo, quấn dây để biến cây kiểng rừng còn thô thành kiểng nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ cao. Một nghệ nhân trong nghề chia sẻ: “Tùy theo chủng loại, dáng thế tự nhiên và đặc điểm của từng cây mà nghệ nhân sẽ uyển chuyển uốn sửa và phân cành sao cho đẹp mắt”. 

Vì đòi hỏi trình độ cao, nên số nghệ nhân sửa bonsai, kiểng cổ, tiểu cảnh thuộc hàng “lão luyện” rất hiếm và được chủ vườn săn đón. Theo ông Phước Lộc, làng hoa Sa Đéc có đến mấy trăm người sửa kiểng, nhưng số “bàn tay vàng” đếm chưa hết đầu ngón tay. “Người sở hữu kiểng quý thường rất đắn đo khi chọn “thầy” sửa kiểng, bởi mỗi đường cắt, nhát đục lên thân cây đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Chỉ cần một sai sót có thể làm cây bị lỗi, mất đi giá trị thẩm mỹ”, ông Lộc nói.

Sống được với nghề

Ông Phạm Hồng Lựu, một người có trên 20 năm kinh nghiệm về nghề này, cho biết muốn trở thành một người sửa kiểng chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn phải chịu khó học hỏi và lăn lộn nhiều năm trong làng kiểng. Tuy nhiên, nghề này không chỉ dành riêng cho người lớn tuổi mà người trẻ cũng có thể tham gia.

Hoạt động sửa kiểng hiện nay rất đa dạng. Có người đến tận nhà chủ để sửa, có người nhận cây mang về chăm sóc, cũng có người hợp đồng sửa dài hạn. Tiền công trả cho nguời sửa kiểng dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, tùy theo tay nghề, uy tín của người sửa hoặc giá trị của từng cây kiểng. Cây càng có giá trị, tiền công càng cao, có thể lên đến 500.000 đồng/ngày. Đôi khi gặp những chủ vườn hào phóng, họ có thể trả công gấp 3-4 lần mức bình thường.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiều nơi đã mở lớp dạy nghề uốn sửa cây cảnh và một số địa phương cũng cấp giấy chứng nhận cho các nghệ nhân lành nghề khiến số người sống bằng nghề này ngày càng nhiều thêm.

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.