Ngành Giáo dục TP.Biên Hòa: Nan giải bài toán trường lớp

13/07/2015 10:06 GMT+7

Mặc dù TP.Biên Hòa đã ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường lớp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu quá lớn về số lượng học sinh. Nhà giáo Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này.

Mặc dù TP.Biên Hòa đã ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường lớp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu quá lớn về số lượng học sinh. Nhà giáo Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này.

Nhà giáo Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa
Nhà giáo Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa - Ảnh: Đ.N
Nhà giáo Đỗ Văn Cang: Cái khó nhất của TP hiện nay là cơ sở vật chất (CSVC) trường học. Trong năm 2015, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển giáo dục đều đạt nhưng việc xây dựng trường lớp thì chưa theo kịp tốc độ tăng dân số. Với việc tăng 6.000 học sinh trong năm học tới thì tình hình sẽ rất căng. Hiện tại tổng số học sinh tiểu học (TH) ở Biên Hòa là 78.822 em, THCS là 46.588 em. Trong khi đó hệ thống trường ngoài công lập mới chỉ đáp ứng được 1,52% số học sinh TH và 2,80% học sinh THCS toàn thành phố.
* Lý do vì sao TP.Biên Hòa khó mở rộng được hệ thống trường lớp, thưa ông?
- Cái khó là quỹ đất và kinh phí đền bù giải tỏa. Giải tỏa chỗ này thì phải kiếm đất đái định cư cho bà con chỗ khác, rồi thì kinh phí xây dựng. Thành ra, xây mới một ngôi trường riêng chi phí đền bù đã chiếm tới 50% rồi. Bình quân mỗi ngôi trường xây mới cũng ngót nghét cả trăm tỉ đồng. Ngân sách thành phố không đáp ứng nổi. Cái này tỉnh phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thành phố chứ nó vượt khỏi tầm của thành phố.
* Vì thiếu trường lớp nên học sinh một số nơi ở TP.Biên Hòa vẫn phải học ca ba?
- Năm rồi thành phố cơ bản xóa được lớp học ca ba. Tôi đang lo năm học tới có nguy cơ tái diễn tình trạng học sinh phải học ca ba vì số lượng học sinh tăng tới 6.000 em (bình quân mỗi năm tăng từ 5000 – 8000 em) nhất là ở những điểm nóng thuộc các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình, Phước Tân, Tam Phước. Tụi tôi cũng đang tính toán làm sao để đảm bảo cho học sinh có đầy đủ chỗ học, không vì lý do này kia mà các em thiếu chỗ học.
* Ở TP.Biên Hòa vẫn còn“nóng” tình trạng nhóm lớp mầm non hoạt động không phép?
- TP.Biên Hòa hiện có 532 nhóm trẻ mầm non, trong đó 506 nhóm lớp ngoại công lập đã được UBND phường, xã cấp phép thành lập, đi vào hoạt động với tổng số trẻ được huy động ra lớp là 41.972 cháu, trong đó tổng số trẻ mầm non ngoài công lập chiếm 77,45%. Mặc dù được phân cấp cho các phường, xã nhưng phòng GD-ĐT vẫn có trách nhiệm quản lý. Hiện tại cán bộ phụ trách mầm non của phòng chỉ có 3 người trong khi phải theo dõi quản lý tới 62 trường mầm non, 532 nhóm lớp. Quy định của trên chỉ cho phép biên chế nhân sự ngành giáo dục cấp huyện từ 16-17 người, riêng TP.Biên Hòa là 23 nhưng nói thật, với khối lượng công việc như vậy thì tụi tôi cũng quá tải.
* Để khăc phục tình trạng thiếu trường lớp, ngành giáo dục thành phố đã có những giải phải gì, thưa ông?
- Hàng năm, phòng giáo dục đều tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa. Trong điều kiện của mình, thành phố cũng đã tính toán, rà soát nơi nào cần tập trung trước thì ưu tiên đầu tư trước, nơi nào chống đỡ được thì cố gắng… bởi nguồn lực có hạn. Song song đó, ngành giáo dục cũng đã đề xuất thành phố tiếp tục đầu tư CSVC tại những trường hiện hữu, cải tạo nâng cấp để mở rộng thêm phòng học mới. Khuyến khích phát triển xã hội hóa giáo dục thông qua chính sách ưu đãi để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư mở trường.
Với một đô thị đang phát triển “nóng” như Biên Hòa, bậc học mầm non cần phải xây mới khoảng 100 trường mới tải đủ, bậc tiểu học, THCS cũng cần xây mới vài chục trường nữa mới đáp ứng được nhu cầu.
* Xin cám ơn ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.