Mỏ đá 'lắm chuyện'

30/01/2015 10:43 GMT+7

Việc quản lý khai thác một mỏ đá bazan ở Đắk Nông cần được thực hiện chặt chẽ nhằm tránh thất thoát tài nguyên.

Việc quản lý khai thác một mỏ đá bazan ở Đắk Nông cần được thực hiện chặt chẽ nhằm tránh thất thoát tài nguyên.

Mỏ đá ở thôn 10A, xã Đắk Lao, nơi “lắm chuyện” bất cập - Ảnh: Trung Chuyên
Choảng nhau vì đá
Khu vực thôn 10A, xã Đắk Lao, H.Đắk Mil (Đắk Nông), được thiên nhiên ban tặng mỏ đá bazan hình thành từ núi lửa khá dồi dào về trữ lượng. Ở đây có loại đá hình khối trụ lục lăng (gọi là đá cây) có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao, thường được khai thác dùng trong xây dựng, trang trí phong thủy, công trình nghệ thuật... Tháng 7.2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho phép cơ sở Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (TLĐN) ở H.Đắk Song khai thác đá cây trên diện tích 1.500 m2 tại thôn 10A.
Tuy vậy, sau một thời gian, việc khai thác đá nơi đây cho thấy những bất cập. UBND H.Đắk Mil phát hiện Thiền viện TLĐN thu gom đá cây trên diện tích không đúng với vị trí tọa độ được UBND tỉnh Đắk Nông cho phép. Mặt khác, một số đơn vị, cá nhân không được cấp phép cũng lợi dụng vào khai thác đá xây dựng. Trong tháng 1, Phòng TN-MT H.Đắk Mil đã kiểm tra, phát hiện hai hộ Nguyễn Văn Định và Tạ Thị Xuyến, trú tại H.Đắk Mil, có hành vi khai thác đá cây, đá xây dựng trái phép tại khu vực. Hiện phòng này đã tham mưu đề xuất UBND H.Đắk Mil ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Định 20 triệu đồng. Trước đây, ông Định cũng từng bị UBND xã Đắk Lao xử phạt 4 triệu đồng về hành vi tương tự.
Việc khai thác đá tại thôn 10A cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn giữa đơn vị khai thác với ông Đ.V.L, là hộ có nhà và đất cạnh mỏ đá. Ông L. cho rằng đất rẫy của mình bị lấn chiếm nên có hành vi ngăn cản khai thác đá, có lúc phá máy móc, phương tiện của doanh nghiệp dẫn đến xô xát khiến ông L. bị thương tích. Trong khi đó, đơn vị khai thác lại cho rằng đã nhận chuyển nhượng của ông L. phần đất rẫy có đá bên dưới. Theo ông Trần Nguyên Long, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lao, chính quyền xã đã nhiều lần can thiệp giải quyết vụ việc này nhưng đôi bên vẫn chưa đồng thuận.
Chấn chỉnh khâu quản lý
Nhiều năm qua, việc quản lý khai thác đá bazan ở xã Đắk Lao được chính quyền địa phương đánh giá khá phức tạp. Phần lớn mỏ đá nằm dưới đất nông nghiệp của các hộ dân, việc sang nhượng đất, tự khai thác diễn ra rất khó kiểm soát. Năm 2011, UBND H.Đắk Mil đã xử phạt 60 triệu đồng đối với 5 hộ gia đình, cá nhân do tự ý hợp đồng với người nước ngoài khai thác, mua bán đá trái phép. Đầu năm 2014, cơ quan chức năng cũng xử lý 2 vụ vận chuyển đá trái phép với khối lượng lớn.
Ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Đắk Mil, cho rằng mặc dù huyện đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nhưng công tác quản lý khai thác đá tỏ ra chưa chặt chẽ. “Chính quyền xã cần chủ động kiểm tra, phát hiện hành vi khai thác trái phép trên địa bàn; đồng thời thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng của huyện để kịp thời xử lý, ngăn chặn việc thất thoát tài nguyên”, ông Ánh nhận định
Về phía địa phương, mỏ đá trên còn gây ra nhiều hệ lụy cho người dân như ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đường giao thông nhanh hư hỏng do xe tải chở đá, cây trồng giảm năng suất do bụi … Theo ông Phan Hữu Lý, trưởng thôn 10A, xã Đắk Lao, thôn đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng việc quy hoạch hợp lý khu vực khai thác đá, tránh gần khu dân cư như hiện nay, ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.