Lời xin lỗi của phạm nhân

16/01/2015 10:35 GMT+7

Chủ trương cho phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi” đến người bị hại, người thân trong gia đình… mong được tha thứ, quyết tâm cải tạo tốt sớm trở về gia đình do Tổng Cục VIII - Bộ Công an tổ chức là một cách làm nhân văn.

Chủ trương cho phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi” đến người bị hại, người thân trong gia đình… mong được tha thứ, quyết tâm cải tạo tốt sớm trở về gia đình do Tổng Cục VIII - Bộ Công an tổ chức là một cách làm nhân văn.

 Buổi giao lưu giữa phạm nhân viết thư với người nhận thư - Ảnh: Thiện Nhân
Đã có hơn 1.200 lá thư của phạm nhân gửi đến gia đình người thân, người bị hại được viết từ Trại giam Sông Cái, thuộc Tổng Cục VIII đóng trên địa bàn xã Phước Tiến, H.Bác Ái (Ninh Thuận) với mong muốn xin được tha thứ, giải tỏa phần nào sự ám ảnh về tội lỗi của mình gây ra.
Từng là sinh viên, phạm nhân Nguyễn Quý Quỳnh (Khánh Hòa) nghe theo lời rủ rê của bạn bè, đã đi vào con đường ma túy và bị phạt tù 2 năm về tội tàng trữ trái phép ma túy. Trong quá trình chấp hành án phạt, thấy bản thân mình có lỗi với người mẹ ở nhà, nên trong lá thư Quỳnh viết: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Con biết mẹ đã hy sinh nhiều lắm, từ lúc chị em con sinh ra, mẹ cũng như rất nhiều bà mẹ Việt Nam khác luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Vậy mà hạnh phúc không đến với mẹ trọn vẹn, tất cả là do con… Mẹ ở tuổi gần đất xa trời lẽ ra con là người phụng dưỡng mẹ nhưng giờ đây mẹ phải vượt hàng trăm cây số lên thăm nuôi con. Con thật hổ thẹn, xin mẹ tha thứ mọi lỗi lầm của con và xin hứa với mẹ sẽ phấn đấu cải tạo tốt trở thành người có ích cho xã hội và gia đình sau này”.
Mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh, động cơ phạm tội khác nhau, nhưng tất cả những lá thư “gửi lời xin lỗi” các phạm nhân trong Trại giam Sông Cái đều xin được người thân trong gia đình, người bị họ làm tổn thương rộng lượng tha thứ cho tội lỗi của mình.
Sinh năm 1991, phạm nhân Trần Hoàng Việt, ở thị trấn Tân Sơn, H.Ninh Sơn (Ninh Thuận) chỉ vì một phút không kiềm chế được cơn tức giận, đã ra tay sát hại một mạng người và nhận bản án 10 năm tù giam. Trong thư gửi cho ba mẹ, Việt thưa: “Bố mẹ kính nhớ! Bố mẹ nuôi con trong khó nhọc, cho con ăn học để mong được thành người và đặt kỳ vọng vào con nhiều lắm. Vậy mà con lại gây ra tội lỗi tày trời… Có lẽ lương tâm không bao giờ tha thứ cho tội lỗi mà chính con đã gây ra”.
Ngoài những lá thư gửi đến người thân, nhiều phạm nhân còn gửi đến gia đình, người thân của những người bị hại với mong muốn nhận được sự khoan dung tha thứ. “Chắc có lẽ chị rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư của em, lá thư mang đầy thành khẩn, ăn năn hối hận tận đáy lòng của em. Chị biết không, đã bao lần em định viết thư để xin lỗi gia đình chị nhưng em không dám… Em đã làm cho chị phải rơi nhiều nước mắt, mất mát đau thương, nhưng giờ đây em không biết phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra. Ký ức đó cứ chập chờn mãi trong tâm trí không thể nào yên khi lương tâm cứ cắn rứt và đau nhói. Nếu như ngay lúc này cho em một điều ước, em sẽ ước mong chị tha thứ cho em…”. Đó là lời ăn năn, hối cải tận đáy lòng xin nhận được sự khoan dung của Phan Văn Hoàng, chịu mức phạt 6 năm tù gửi cho chị Lâm Thị Ánh Nguyệt, TP.Phan Rang - Tháp Chàm sau khi gây ra cái chết của chồng chị Nguyệt.
Theo đại tá Phạm Văn Giới, Giám thị Trại giam Sông Cái, chủ trương viết thư “gửi lời xin lỗi” mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cho phạm nhân nhận thức lỗi lầm của mình, khơi gợi trong họ tính hướng thiện, mong ước được sớm hoàn lương trở về với đời sống cộng đồng, từ đó họ yên tâm học tập cải tạo, chấp hành tốt kỷ luật.
Qua theo dõi, rất nhiều phạm nhân sau khi viết thư đã có chuyển biến tốt về mặt tâm tư tình cảm, vui vẻ, lạc quan hơn. “Không bao giờ quá muộn nếu ai đó biết hối lỗi chân thành. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho phạm nhân viết thư, xem đây là một biện pháp giáo dục phạm nhân yên tâm phấn đấu cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng”, đại tá Giới tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.