Liên kết xúc tiến đầu tư để phát triển Tây nguyên

21/12/2013 21:22 GMT+7

Tây nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và có tiềm năng, lợi thế to lớn về nhiều mặt để phát triển nên nếu biết phát huy sẽ dễ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT), nhưng thực tế kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn còn quá hạn chế.

Liên kết xúc tiến đầu tư để phát triển Tây nguyên

Rất ít dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao vào Tây nguyên

Dalat Hasfarm – doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả tại Lâm Đồng    

Tại Hội nghị liên kết XTĐT khu vực Tây nguyên và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội năm 2013 được tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 11.2013, toàn khu vực Tây nguyên thu hút được 139 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn FDI đăng ký (kể cả cấp mới và tăng vốn) đạt gần 811,8 triệu USD. “Cho đến nay, ĐTNN vào khu vực Tây nguyên chỉ chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn so với các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đến hết tháng 11.2013, tỷ trọng ĐTNN của toàn Tây nguyên mới chiếm khoảng 17,4% về số dự án và 3,3% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung – Tây nguyên, bằng 0,9% về số dự án và 0,35% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước”, ông Quang cho hay. Theo ông Quang, thực tế cho thấy công tác XTĐT tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu vẫn dựa vào “lợi thế tĩnh” của mỗi địa phương, sự hợp tác, liên kết vùng để tạo ra “lợi thế động” chưa thực sự rõ rệt; việc gắn các hoạt động XTĐT giữa các địa phương với nhau, giữa vùng với chương trình XTĐT quốc gia chưa chặt chẽ.

Cũng tại hội nghị nói trên, ông Lê văn Một – Phó giám đốc Trung tâm XTĐT Đắk Nông cho hay: ở Hội nghị giao ban công tác XTĐT vùng Tây nguyên năm 2012 (tổ chức tại Đắk Nông), các địa phương đã xác định nhiều nội dung trọng tâm để thực hiện trong năm 2013, nhưng việc thực hiện vẫn tồn tại một số vấn đề chứ chưa được như mong đợi. “Việc lựa chọn hình thức liên kết chưa phù hợp, chưa đáp ứng được điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển của vùng Tây nguyên. Bên cạnh đó, cách thức triển khai các nội dung chương trình liên kết chưa cụ thể rõ ràng, chưa có sự phối hợp trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị nên không thể tránh khỏi tình trạng liên kết chỉ là trên giấy tờ. Nội dung liên kết vùng còn quá rộng, thiếu chiều sâu dẫn đến tình trạng thừa ở điểm này nhưng lại thiếu ở nội dung khác”, ông Một nêu nguyên nhân.

Để thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhiều hơn nữa đến với vùng đất này, việc hình thành cơ chế liên kết vùng trong công tác XTĐT vào Tây nguyên là cần thiết và cấp bách. Việc này sẽ góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thu hút đầu tư, tăng cường liên kết chặt chẽ và khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, cạnh tranh giữa các địa phương. “Các địa phương cần triển khai  xây dựng định hướng XTĐT vùng Tây nguyên mang tính dài hạn trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, của toàn vùng; hình thành cơ chế phối hợp từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch XTĐT đến khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời, các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư và thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư một cách nhất quán và minh bạch”, ông Đặng Xuân Quang nói.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.