Liên kết để phát triển bền vững

20/03/2015 09:30 GMT+7

Ngành cà phê cần phát triển bền vững để tiếp tục vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Tây nguyên.

Ngành cà phê cần phát triển bền vững để tiếp tục vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Tây nguyên.

 Sản xuất cà phê theo hình thức nông hộ hiện phổ biến ở Tây nguyên - Ảnh: Trung Chuyên
 Sản xuất cà phê theo hình thức nông hộ hiện phổ biến ở Tây nguyên - Ảnh: Trung Chuyên
Phá vỡ quy hoạch
Tại hội thảo về phát triển bền vững ngành cà phê do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây ở Đắk Lắk, ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây nguyên, cho biết toàn vùng này hiện có 573.400 ha cà phê, chiếm gần 88% diện tích cà phê cả nước; niên vụ 2014-2015 đạt 1.313.000 tấn cà phê, chiếm hơn 90% sản lượng cà phê VN. Tuy nhiên, theo ông Thanh, phát triển cà phê ở Tây nguyên chủ yếu do tự phát, phá vỡ quy hoạch của các tỉnh; nạn lấn chiếm rừng, đất rừng, kể cả rừng phòng hộ, để trồng cà phê diễn ra khá phổ biến. “Hơn 80% diện tích cà phê do nông hộ sở hữu, nông dân tự chọn giống để trồng nên vườn cây bộc lộ nhiều nhược điểm. Thiếu kỹ năng chế biến, bảo quản, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nạn hái xanh… khiến chất lượng cà phê của nông hộ không đồng đều là những hạn chế chung của sản xuất cà phê toàn vùng”, ông Thanh nói.
Tại Đắk Lắk, vựa cà phê trọng điểm của Tây nguyên, mặc dù tỉnh này ra nghị quyết về phát triển cà phê bền vững, khuyến cáo không mở rộng diện tích cà phê nhưng những năm qua diện tích trồng mới vẫn tăng (gần 3.000 ha/năm). Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhìn nhận: “Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đủ tưới khoảng 66,5% diện tích cà phê. Việc không chủ động nguồn nước đã làm cho sản xuất cà phê thiếu tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đang xảy ra biến đổi khí hậu”.
Ở khía cạnh kỹ thuật, TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây nguyên, chỉ ra một đặc điểm canh tác kém bền vững khác là phần lớn diện tích cà phê ở Tây nguyên không có cây che bóng, buộc người trồng phải đầu tư cao để duy trì năng suất vườn cây, nhưng dễ rủi ro khi gặp thời tiết bất lợi như hạn hán, sương muối... Ngoài ra, theo ông Báu, tình trạng nông dân bón thừa phân, có đến 23% số hộ tưới thừa nước; hơn 90% số hộ thu hoạch không đạt yêu cầu tỷ lệ quả chín… cũng là những yếu tố kém bền vững của sản xuất cà phê trong vùng.
Vai trò của “liên kết”
Ngành cà phê đang cần phát triển về chiều sâu, thiên về chất, nâng cao giá trị gia tăng, giảm rủi ro thì mới tăng tính bền vững, đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Theo TS Lê Ngọc Báu, để phát triển theo hướng trên, trước hết phải tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân riêng lẻ và liên kết giữa người sản xuất với các DN. “Liên kết tạo cho người sản xuất tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng, tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào, bảo vệ sản phẩm vào vụ thu hoạch; từ đó giảm tỷ lệ hái xanh, nâng cao chất lượng cà phê”, ông Báu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT, cho rằng các tỉnh Tây nguyên phải lập quy hoạch vùng trồng cà phê, không nên để phát triển tràn lan như hiện nay; đồng thời triển khai đầu tư mạnh về khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, giảm giá thành trong sản xuất cà phê. Ở khía cạnh liên kết trong sản xuất, theo ông Hòa, các địa phương nên khuyến khích thành lập chi hội người trồng cà phê, qua đó tác động tích cực đến nông hộ thực hiện các biện pháp sản xuất cà phê bền vững.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Bộ NN-PTNT, đã đến lúc phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu sản phẩm của ngành cà phê theo hướng tăng tỷ trọng cà phê chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Từ thực tế thành công của một số mô hình liên kết, ông Đô cũng nhấn mạnh liên kết giữa nông dân và DN mới có thể hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, ổn định chất lượng sản phẩm cà phê nguyên liệu ngay từ đầu vào của công nghiệp chế biến...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.