Lấy đường phố làm… sân trường: Thiếu tầm nhìn?

07/12/2011 08:24 GMT+7

Nhiều người dân Thủ đô đặt câu hỏi: có bao nhiêu đất di dời đã dành để xây trường? Ở những quận ít đất, có bao nhiêu dự án chung cư, trung tâm thương mại được xây thay cho trường học?

Nhiều người dân Thủ đô đặt câu hỏi: có bao nhiêu đất di dời đã dành để xây trường? Ở những quận ít đất, có bao nhiêu dự án chung cư, trung tâm thương mại được xây thay cho trường học?

>> Đất thừa, trường thiếu

Trong một cuộc họp chuyên đề gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho rằng: việc thiếu trường học vẫn được báo cáo là do quỹ đất thiếu, đó là nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan là do thiếu tầm nhìn. Quy hoạch còn xa thực tế, nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Ông Nghị nói: “Chúng ta kêu thiếu đất xây trường học nhưng lại rất hăng hái, tự hào báo cáo xây dựng được bao nhiêu công trình cao tầng, quá trình đô thị hóa rất nhanh. Liệu có chuyện ưu tiên không đúng trọng tâm, hay đã lơ là, bỏ quên trường học?”.

Còn theo ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, thiếu trường mầm non, phổ thông là một “lỗ thủng” trong bức tranh giáo dục Thủ đô.

“Tôi nhớ cách đây 3 năm, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn việc các nhà máy, xí nghiệp chuyển ra ngoài, ưu tiên nhường đất cho trường học. Nhưng có bao nhiêu đất di dời đã xây dựng cho trường học, ngay cả những quận khó khăn nhất về quỹ đất, đã có bao nhiêu dự án bố trí để xây dựng nhà để bán, xây trung tâm thương mại để kinh doanh?”, ông Hoạt bày tỏ.

 

Tại Hội nghị giao ban lãnh đạo UBND quận, huyện về xây dựng trường mầm non và phổ thông mới đây, ông Vũ Văn Viện, Chủ  tịch UBND Q.Hoàn Kiếm cho rằng: “Nếu TP ưu tiên thì không chỉ đầu tư kinh phí mà còn phải đầu tư quỹ đất, giải phóng mặt bằng để xây trường học”.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban tổ chức Thành ủy lại cho rằng, việc thiếu trường học ở nhiều quận có lỗi của lãnh đạo các quận đó.

“Nhiều nơi quỹ đất rất khó khăn nhưng vẫn xây được trường mới. Đơn cử, Q.Hoàn Kiếm là nơi có nhiều phố cổ, dân cư đông, đất đắt nhưng vẫn lấy được 6.000 m2 đất ở 44 - 46 Hàng Quạt để xây trường THCS. Nhưng, ngược lại, có quận như Hai Bà Trưng, khi nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo di dời, thành phố quy hoạch một trường học và một khu trung tâm thương mại. Kết quả, trung tâm thương mại đã xây xong và sử dụng nhiều năm nay nhưng trường học thì vẫn chưa xây được”, bà Hằng cho biết.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm khi 12 trường ĐH sắp dời ra ngoại thành, là cơ hội để lấy đất xây trường mầm non, trường phổ thông. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các quận nội thành rất mong muốn được sử một phần diện tích đất này để xây trường phổ thông. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT lại chưa có ý kiến chính thức nào về vấn đề này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết, TP đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP có phương án cụ thể theo hướng ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời trường ĐH, CĐ cho giáo dục và đào tạo như xây trường mầm non, trường phổ thông, cơ sở đào tạo nâng cao, nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, theo chủ trương ban đầu của Bộ Xây dựng là ngoài việc xây dựng các công trình xã hội, lại vẫn dành phần lớn diện tích cho trung tâm thương mại. Việc này sẽ phải được bàn bạc, thống nhất lại một cách kỹ càng hơn.

Cần 5,4 triệu m2 đất cho trường học

7 quận nội thành Hà Nội còn 32 phường thiếu trường, trong đó 11 phường thiếu trường ở hai bậc học, một phường thiếu trường ở cả ba bậc học. Tại 25 khu đô thị mới còn thiếu gần 60 trường công lập ở cả ba cấp, trong đó bậc mầm non thiếu 21 trường, tiểu học thiếu 20 trường, THCS thiếu 18 trường. Có 8/25 khu đô thị mới không có cả trường công và tư. Theo quy định về diện tích xây dựng trường chuẩn quốc gia, Hà Nội thiếu 5,4 triệu m2 đất để xây trường học, trong đó bậc mầm non 2,3 triệu m2, tiểu học 1,9 triệu m2, THCS 1,2 triệu m2.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.