Làng vôi Hòa Điền đang 'hấp hối'

09/04/2015 15:09 GMT+7

Hình thành cách đây hơn 80 năm, nghề làm vôi truyền thống ở xã Hòa Điền (H.Kiên Lương, Kiên Giang) đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân địa phương.

Hình thành cách đây hơn 80 năm, nghề làm vôi truyền thống ở xã Hòa Điền (H.Kiên Lương, Kiên Giang) đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân địa phương. Nhưng gần đây, do thiếu nguyên liệu và tác động từ thị trường, nghề làm vôi ở Hòa Điền đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Nghề làm vôi truyền thống ở Hòa Điền đang đứng trước nguy cơ mai một - Ảnh Hồng Cúc
Trăn trở làng nghề
Ông Nguyễn Hữu Tính, Chủ tịch UBND xã Hòa Điền, cho biết sản phẩm của làng vôi Hòa Điền khá phong phú, gồm vôi cục (CaO), vôi dolomite, vôi canxi carbonat (CaCO3) dùng để xử lý nước nuôi tôm, với sản lượng trung bình khoảng 150.000 tấn/năm. Vôi Hòa Điền chủ yếu được tiêu thụ ở vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Lâm Đồng... Đầu những năm 2000 là thời hoàng kim nhất của nghề làm vôi. Lúc bấy giờ, ở đây có đến 84 lò hoạt động, nhưng cũng không đủ vôi cung cấp cho khách hàng. Nhiều gia đình có ba, bốn đời làm nghề nung vôi, cuộc sống rất ổn định.
“... khi cấp phép khai thác, địa phương và ngành chức năng nên dành những núi đá vôi nhỏ cho người dân Hòa Điền khai thác làm nguyên liệu sản xuất vôi thì mới mong giữ được làng nghề truyền thống này”
Ông Trần Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND H.Kiên Lương
Tuy nhiên, hiện nay làng nghề chỉ còn khoảng 10 lò vôi hoạt động. Nhiều lò bị bỏ hoang phế, rêu phủ đầy... Theo ông Phạm Ngọc Khương, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác - sản xuất, thương mại - dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Khương Nam Việt, nguyên nhân khiến nghề làm vôi truyền thống gặp khó là do giá nguyên liệu tăng cao. Trước đây, nguyên liệu chủ yếu khai thác ở Núi Trầu (xã Hòa Điền). Song, từ năm 1990 đến nay, núi này được cấp phép cho một công ty ngoài địa phương khai thác nên các chủ lò ở Hòa Điền phải qua tận xã Bình An (H.Kiên Lương) mua đá nguyên liệu rồi vận chuyển về sản xuất, khiến chi phí tăng cao.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất vôi ở Hòa Điền còn đối mặt với tình trạng thiếu vốn để đầu tư lò liên hoàn cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Lò liên hoàn có nhiều ưu điểm như nhóm lửa một lần, đốt quanh năm nên tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí, nâng cao năng suất. Tuy nhiên, để làm được một lò như vậy phải có tiền tỉ trở lên”, một chủ lò vôi ở Hòa Điền nói.
Còn bà Lê Thị Nữ thì cho biết cách đây 20 năm, gia đình bà đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng 2 lò vôi, mỗi tháng đốt được 2 mẻ cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 15 lao động. Tuy nhiên, chỉ hoạt động một thời gian thì phải đóng cửa vì không đủ vốn mua nguyên liệu để sản xuất.
Tìm hướng đi
Theo ông Khương, sau khi kế thừa nghề làm vôi gia truyền của gia đình, ông đầu tư 2 lò liên hoàn công suất 8 - 10 tấn/ngày. Đến nay, cơ sở sản xuất của ông đã được nâng lên thành công ty, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Ngoài các loại vôi truyền thống, ông còn sản xuất phân bón trung lượng, các loại phân hạ phèn; xuất khẩu vôi sang Campuchia… Ông Khương cho rằng gia đình ông đã kiên trì theo đuổi vì mong muốn giữ lại nghề truyền thống, tạo nền tảng cho con cháu nối nghiệp nên đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu tập thể, tạo thương hiệu, nâng giá trị cho sản phẩm vôi Hòa Điền.
Theo ông Trần Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND H.Kiên Lương, trên địa bàn hiện có 30 núi đá vôi với trữ lượng khoảng 31 triệu m3; trong đó có 13 núi được cấp phép khai thác như: Túc Khối, Khoe Lá, Bãi Vôi, Còm, Cóc… “Theo tôi, khi cấp phép khai thác, địa phương và ngành chức năng nên dành những núi đá vôi nhỏ cho người dân Hòa Điền khai thác làm nguyên liệu sản xuất vôi thì mới mong giữ được làng nghề truyền thống này”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.