Làng nghề hồi sinh: Quán Hương... tự nhiên hương

03/02/2015 10:06 GMT+7

Xong vụ mùa, nhiều nông dân ở làng Quán Hương (Hà Lam, H.Thăng Bình, Quảng Nam) lại bày biện đồ nghề để làm hương cung cấp cho thị trường tết.

Xong vụ mùa, nhiều nông dân ở làng Quán Hương (Hà Lam, H.Thăng Bình, Quảng Nam) lại bày biện đồ nghề để làm hương cung cấp cho thị trường tết.

Làng nghề hồi sinh: Quán Hương... tự nhiên hươngNếu đủ nắng, chỉ cần phơi liên tục và đảo đều tay trong vòng 4 giờ là hương vừa khô
Nhiều tài liệu ghi rằng, nghề làm hương tại Quán Hương có truyền thống khoảng 250 năm tuổi. Từ cách làm thủ công, gom nhặt những thứ lá thơm có trong địa phương, người Quán Hương đã dần tiếp cận với cách làm các loại hương khác nhau như: hương bổi, hương trầm, hương quế... Trong làng, trẻ em độ tuổi 9-10 đã biết phụ cha mẹ làm hương đem bán. Có gia đình lấy nghiệp làm hương để mưu sinh nhưng cũng không ít gia đình xem đó là nghề tay trái vào dịp nông nhàn. Nhưng thường thì vào những ngày giáp tết, người Quán Hương đều bày chông hương, bàn xe bột ra làm, kiếm thêm thu nhập. Trước đây, các hộ dân sản xuất chủ yếu theo phương pháp thủ công. Dần dần, họ chuyển sang làm hương với máy đạp bằng chân. Hiện nhiều hộ dân trong làng đầu tư máy móc tự động nên năng suất cao hơn.
Theo ông Phan Tiến Dũng (44 tuổi), cây hương mang thương hiệu Quán Hương được người dùng ưa chuộng là do được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Với hương quế nguyên liệu chủ yếu gồm: bột quế được mua từ vùng Tiên Phước, Trà My nổi tiếng, bột mùn cưa. Đặc biệt, người thợ làm hương tại làng nghề thường sử dụng chất kết dính giữa các loại bột là một loại keo bột tự nhiên nên cây hương thơm lâu mà không độc hại. Trong khi đó, chông hương được làm từ loại tre vàng có độ dẻo nên cây hương có độ bền cao. Nếu đủ nắng, chỉ cần phơi liên tục và đảo đều tay trong vòng 4 giờ là hương vừa khô. Ông Dũng cho biết, cũng như ông, nhiều thợ trong làng ít khi làm hương nước hoa để bán. Bởi loại hương này ảnh hưởng sức khỏe.
Cả năm, Quán Hương xuất ra độ khoảng 700 tấn hương đến thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị… Hương của làng nghề có khi lên tận Tây nguyên và được xuất sang Lào… Ngoài làm hương quế truyền thống, người thợ Quán Hương còn làm hương Hà Nội với nguyên liệu chính là bột cây bài, giá khoảng 70-80.000 đồng/kg, hương trầm với nguyên liệu chính là bột dó bầu Tiên Phước, giá khoảng 150.000 đồng/kg. Người dân làng hương tiếp cận thị hiếu khách hàng cũng rất nhanh nên nhiều hộ đã học được cách làm hương vòng đốt được 24-48 giờ đồng hồ hay hương trầm dạng viên. “Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời của người Việt. Làm sao khi đốt cây hương phải tạo sự ấm cúng trong bàn thờ mỗi gia đình. Do vậy khi sản xuất hương, chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng và dùng nguyên liệu tự nhiên để tránh tạo ra khói độc hại cho người dùng”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.