Làng mộc… tóc dài

03/04/2014 09:25 GMT+7

Ở Bến Tre hiện có một làng mộc mà chị em là những thợ chính làm ra những sản phẩm tinh xảo không thua gì cánh đàn ông…

Làng mộc… tóc dài

Lo bữa cơm chiều xong, chị Nguyễn Thị Trúc Hiền (32 tuổi) tranh thủ đục mộng một phần sản phẩm mộc

Làng mộc trăm năm

Đến bây giờ, những bậc cao niên ở xã Tiên Thủy (H.Châu Thành, Bến Tre) vẫn không biết làng mộc Tiên Tây Vàm có từ bao giờ. Chỉ biết khi họ còn nhỏ đã thấy cha ông gò lưng bên những thanh gỗ làm ra bàn, ghế, tủ, giường... phục vụ nhu cầu của xã hội. Đến giữa thế kỷ 20, người thợ ở đây vẫn làm nghề bằng công cụ cầm tay như cưa, đục, khoan, bàu, chà... Mãi về sau, khi máy móc bắt đầu du nhập vào miền Nam, giúp người thợ Tiên Tây Vàm giải phóng sức lao động và hoàn thành sản phẩm nhanh hơn.

Những năm trước đây, làng mộc Tiên Tây Vàm chủ yếu dọc theo sông Hàm Luông. Trại mộc nào cũng rộn ràng tiếng máy vận hành, mạt cưa bay mù trời. Người thợ thì lưng đẫm mồ hôi bên những sản phẩm hoàn thành chờ người đặt hàng đến nhận. Trong khung cảnh như thế, ai cũng tưởng làng mộc có nhiều cơ sở sản xuất nhưng thực ra chỉ có hơn chục hộ. Những cơ sở mộc tại Tiên Tây Vàm ra đời để vừa giải quyết số gỗ tạp (mít, xoài, cóc...) ở địa phương và để lực lượng lao động nhàn rỗi, gia cảnh khó khăn tham gia cải thiện cuộc sống. Trong đó, cánh phụ nữ tham gia tất cả các công đoạn của nghề mộc là một điều khá đặc biệt. Gần đây, nhờ máy móc hỗ trợ, nên chị em cũng không tốn nhiều sức lực.

Những người thợ tóc dài

Không ai nhớ người phụ nữ đầu tiên ở Tiên Tây Vàm tham gia làm công việc “độc quyền” của cánh “vai u thịt bắp” là ai. Một người thợ nam lớn tuổi ở đây cho biết khi các cơ sở sản xuất gỗ bằng máy móc hiện đại ra đời, nhiều cơ sở thủ công nhỏ lẻ phá sản. Thợ nam thất nghiệp hoặc có việc nhưng không đảm bảo đời sống nên chán nản, lao vào nhậu nhẹt, đá gà, đánh bài... Mấy bà vợ ở nhà túng thiếu, tự ái, bèn “xăn tay áo” nhảy vào học việc. Và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhờ sự kiên trì, dẻo dai và nhất là tỉ mỉ, khéo tay mà gánh đàn ông không bì được.

Theo nhiều chị em, nghề mộc không có gì khó, vấn đề là chịu quan sát, thao tác, đổ mồ hôi lâu ngày là “lành nghề”. Chị Đinh Thị Gấm (32 tuổi) nói: “Nhà khó khăn, một mình ông xã làm không đủ ăn nên tôi quyết định làm nghề mộc. Chuyên cần học hỏi, rồi cũng làm được như ai. Làm gần chục năm nay, tuy không giàu có gì nhưng trong nhà cũng sắm được một số vật dụng cho bằng người ta”.

Ở làng mộc Tiên Tây Vàm, chị em làm nghề đa phần tuổi dưới 40. Cao tuổi hơn, họ không còn khả năng lao động, nhất là nghề này đòi hỏi phải có đôi mắt sáng, đôi bàn tay mạnh khỏe để bàu, chà, cưa, xẻ và đục chính xác. Khi điều khiển máy móc thì phải hết sức cẩn thận, trùm kín tóc hoặc đội nón phủ gọn. Nếu không, dễ bị máy cuốn tróc da đầu. Mắt sáng giúp chị em ngăn chặn những sự cố bất chợt xảy ra khi máy vận hành tốc độ cao là đứt tay, thậm chí lìa bàn tay...

Thời gian qua, chị em làm mộc ở Tiên Tây Vàm dù đã mang khẩu trang nhưng vẫn bị các bệnh về đường hô hấp, ngồi lâu thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa... “Làm nghề này thì coi như “nhan sắc tàn phai”, vì tay chân chai sần, thẹo vít nhiều nơi. May mà chồng là đồng nghiệp nên hổng dám chê”, chị Trương Huỳnh Tím (34 tuổi) bộc bạch. Chị Hồ Hoa Huệ (26 tuổi) cười bẽn lẽn: “Chê sao được khi mình cùng ông xã đem lại miếng cơm manh áo cho gia đình, con cái ăn học đàng hoàng, gia đình ấm êm, hạnh phúc”.

Dù đời sống của những gia đình có chồng vợ cùng làm nghề mộc không giàu có hơn ai nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống ở một nơi mà họ không có được mảnh vườn, miếng ruộng cùng trình độ học vấn. Nhận thức được điều đó, hội phụ nữ xã đã thành lập tổ hợp tác nghề mộc, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp nâng cao cuộc sống chị em. Nhưng chị em ở làng mộc vẫn mong hội giúp có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, nhất là giúp lo cuộc sống khi không còn làm nghề lúc tuổi trên 40.                                                             

Bài, ảnh: Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.