Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX: Khai thác titan vẫn “nóng”

22/07/2013 09:30 GMT+7

Cũng như các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận (diễn ra ngày 18 và 19.7) vẫn tiếp tục “nóng” lên vấn đề khai thác titan

Cũng như các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận (diễn ra ngày 18 và 19.7) vẫn tiếp tục “nóng” lên vấn đề khai thác titan.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Toàn Thiện cho rằng: “Cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác titan không được kiểm soát. Ô nhiễm môi trường do khai thác titan ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Báo chí thì phản ánh rầm rộ, nhưng báo cáo của Sở TN-MT thì nói tình hình …rất tốt”. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TNMT Huỳnh Giác cho rằng, khai thác titan tại địa phương có đóng góp cho ngân sách tỉnh, bố trí lao động cho người dân. Nhưng ông Giác thừa nhận: “Những dự án titan đang gặp phải những bức xúc của cử tri, nhất là về ô nhiễm môi trường”. ĐB Nguyễn Ngọc Hai (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cũng nhìn nhận, hầu hết các dự án khai thác titan, khi đóng cửa mỏ đều chưa hoàn thành việc hoàn thổ, trồng cây xanh; hoặc làm qua loa.

 Khai thác titan
Khai thác titan gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho cử tri Bình Thuận - Ảnh: Q.H

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương phát biểu: “Bản thân tôi và tập thể UBND tỉnh thực lòng không muốn khai thác titan. Vì lợi ích đâu chưa thấy, nhưng đã thấy nó tàn phá môi trường ghê gớm. Có người dân nói với tôi, nó tàn phá còn hơn thời chiến tranh. An ninh trật tự khu vực khai thác và xung quanh rất phức tạp. Tuy nhiên, mong các ĐB cùng sẻ chia những khó khăn với tỉnh và cùng tháo gỡ”- ông Phương phát biểu tại kỳ họp.

Cũng theo ông Lê Tiến Phương, hiện còn 8 doanh nghiệp (DN) đang còn hạn giấy phép. Bộ TN-MT đang xem xét có thể rút giấy phép 3 DN nữa. Trên thực tế, hiện nay chỉ còn Công ty Phú Hiệp đang khai thác trên diện tích hơn 800 ha tại TP.Phan Thiết. “Dân hỏi titan có đóng góp gì cho ngân sách tỉnh không. Có đấy nhưng chưa nhiều. Còn hiện tượng nhà đầu tư lợi dụng quen biết xin giấy phép khai thác mỏ nhưng không làm, mà chuyển nhượng, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. Điều này dân phản ánh là có thật”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương phát biểu.

 Sau khi nghe các ĐB phản ảnh khá “gắt” về ô nhiễm môi trường từ khai thác titan, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu UBND tỉnh phải lập tức thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tất cả những dự án có vấn đề mà người dân phản ánh. “Người dân phản ánh lớp thực phủ bì bị chết dần do khai thác titan là có cơ sở. Đánh giá tác động môi trường là một chuyện. Nhưng thực hiện có đúng hay không cần xem xét kỹ lưỡng. Tôi đề nghị Giám đốc Sở TN-MT lưu ý vấn đề này”- ông Hùng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Phát triển hạ tầng chậm. Thu ngân sách không đạt kế hoạch so cùng kỳ. Du lịch, dịch vụ có tiến triển; nhưng tỉ lệ khách quốc tế tăng rất chậm. Giáo dục, y tế còn nhiều mặt hạn chế. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Báo cáo tập hợp ý kiến cử tri trong tỉnh, cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai, bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém trong quản lý. Nhiều nơi thu hồi đất của dân nhưng lại không triển khai dự án. Chẳng hạn Công ty Lâm Nghiệp Bình Thuận quản lý hàng ngàn hécta đất tại H.Bắc Bình, nhưng làm ăn kém hiệu quả, gây lãng phí. Trong khi người dân tại địa phương này thiếu đất sản xuất. Tình trạng nông dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây thanh long một cách tràn lan, thiếu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. ĐB Bùi Đăng Hưng (Chủ tịch Hiệp hội thanh long) lo ngại cho sự phát triển cây thanh long quá “nóng” hiện nay sẽ đem lại nhiều hệ lụy và rủi ro về sau.

Quế Hà

>> Vụ chuyển nhượng mỏ titan ở Bình Thuận: Công an vào cuộc điều tra
>> Xử lý việc khai thác titan trái phép
>> Quặng sa khoáng titan của Việt Nam đủ để khai thác lâu dài
>> Chấn chỉnh tình trạng khai thác titan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.