Khốc liệt biến đổi khí hậu: Sông 'chết' từng ngày

21/04/2015 10:00 GMT+7

Hệ thống sông tại Quảng Nam đang chết dần chết mòn cả do tự nhiên lẫn sự 'hạ sát' của con người. Lũ trên các sông xảy ra kinh hoàng, nhưng khô hạn, nhiễm mặn cũng rất trầm trọng.

Hệ thống sông tại Quảng Nam đang chết dần chết mòn cả do tự nhiên lẫn sự “hạ sát” của con người. Lũ trên các sông xảy ra kinh hoàng, nhưng khô hạn, nhiễm mặn cũng rất trầm trọng.
Tàu khai thác vàng giữa sông ĐắkMi - Ảnh: H.TTàu khai thác vàng giữa sông ĐắkMi - Ảnh: H.T
Ra giữa sông lấy cát
Tại hội thảo “Biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực miền Trung và Tây nguyên - Thực trạng và giải pháp ứng phó”, tổ chức vào năm 2013, các chuyên gia và các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, miền Trung-Tây nguyên và Quảng Nam nói riêng là vùng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH. Trong các tham luận, các chuyên gia cũng nhắc lại, BĐKH có thể là do quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài… Tại Quảng Nam, khu vực ven sông, ven biển đang hứng chịu tác động khốc liệt từ việc BĐKH như thiên tai, lũ lụt với cường độ ngày càng mạnh. Trên sông Vu Gia, tình trạng khô hạn xảy ra liên tục khiến giới chức Quảng Nam lẫn Đà Nẵng phải đau đầu và căng mình tìm cách “chia nước” mỗi mùa khô hạn xảy ra. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều thủy điện đầu nguồn là nguyên nhân cơ bản của tình trạng biến đổi thủy văn làm thay đổi dòng chảy, cạn kiệt nguồn nước…
Những ngày này, trên sông Vu Gia qua H.Đại Lộc mực nước đang xuống rất thấp, đến mức các đơn vị khai thác cát có thể điều xe cơ giới ra giữa lòng sông. Đây là thực trạng từng diễn ra sau mỗi trận lũ lớn xảy ra trên con sông này. Trước đó, vào năm 2013, sau cơn bão số 11, sông Vu Gia chảy qua các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Minh… cũng xuất hiện cát bồi thành từng vệt rộng trên sông. Đoạn gần cầu Hà Nha, máy xúc có thể “ung dung” lội ra tận giữa sông để lấy cát mà không lo ngại bị sụt lún. Do việc xả lũ của các thủy điện đầu nguồn mà những năm gần đây, tại thôn Phước Yên (xã Đại An, H.Đại Lộc) bị sạt lở nặng nề. Chỉ trong vòng vài năm, khúc sông qua thôn này đã bị mất hàng chục mét đất, tre trồng dọc bờ sông đã chìm nghỉm dưới dòng nước. Trong khi đó, tại 2 làng Đại Mỹ và Thạnh Đại (xã Đại Hưng) lại đối mặt với nỗi lo cát vùi sau mỗi đợt lũ lớn. Trong đợt lũ vào cuối năm 2013, cả 2 ngôi làng phải gánh chịu gần 20.000m3 cát do nước thủy điện “mang về”, có nơi cát ngập đến 2m.
Theo lý giải của nhiều người dân địa phương, sở dĩ có tình trạng bồi lấp ngày càng nặng nề là do dòng chảy đã thay đổi. Trong khi đó, thủy điện xả lũ lớn nên cát “ùa” vào bồi lấp làng mạc.
Mặn xâm nhập ngày càng sớm
Ở Quảng Nam với hệ thống sông chằng chịt nằm ven biển là khu vực dễ bị tổn thương nhất do BĐKH bởi nước biển dâng. Đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, độ mặn của nguồn nước sông cũng tăng lên và diễn ra ngày càng sớm hơn. Cùng với đó, thủy điện đầu nguồn chặn dòng làm dòng chảy bị suy giảm gây thiếu nước nặng nề. Mặn xâm nhập sâu vào đất liền diễn ra thường xuyên vào mỗi mùa khô hạn. Cuối tháng 2 vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã phối hợp với UBND TX.Điện Bàn buộc lòng bỏ ra 1,2 tỉ đồng xây dựng đập bổi trên sông Vĩnh Điện để lấy nước tưới. Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho hay, tại trạm bơm Tứ Câu (xã Điện Ngọc), nước mặn đã xuất hiện từ ngày 23.1 với nồng độ mặn trung bình từ 3 - 3,5 ‰ (nồng độ cho phép là dưới 0,8‰). Để ứng phó, đơn vị liên tục cử cán bộ trạm bơm theo dõi để bơm nước lách triều vào đồng ruộng.
Trong khi đó, theo UBND TP.Tam Kỳ tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại các con sông chảy qua địa phương này. Vào mùa khô, các con sông Đầm, sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ thường xuyên bị nhiễm mặn. Tại sông Đầm, từng ghi nhận độ mặn lên đến 7‰. Bờ biển tiếp xúc với nước biển dâng, hệ thống sông ngòi chằng chịt là đường truyền dẫn thủy triều ăn sâu vào đất liền. Do đó, hiện tượng nước ngầm bị nhiễm mặn đan xen càng ngày càng phức tạp. “Cũng do ảnh hưởng của sự thay đổi thất thường mùa bão lụt, trước đây người nông dân tỉnh Quảng Nam canh tác 3 vụ lúa nhưng kém hiệu quả. Từ năm 2000, vụ xuân-hè đã bị cắt giảm diện tích. Đến năm 2005 chỉ còn canh tác 2 vụ đông-xuân và hè-thu, đồng thời bố trí lại lịch thời vụ của 2 vụ này để tránh mưa bão”, một cán bộ của UBND TP.Tam Kỳ nói về BĐKH ảnh hưởng tại thành phố này.
Vận hành hồ chứa trong điều kiện BĐKH
Trong điều kiện BĐKH thường xuất hiện lũ lớn bất thường thì việc vận hành các hồ thủy điện nhằm cắt lũ là việc hết sức cần thiết. Trong bài viết “Nghiên cứu đề xuất vận hành xả lũ an toàn cho hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa mưa lũ”, 2 tác giả Tô Thúy Nga và Nguyễn Thế Hùng (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã đề xuất quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông này. Trong đó có nội dung đáng chú ý là: khi dự báo trong 48 giờ tới xuất hiện lũ, lưu lượng đến các hồ chứa vượt quy định trong quy trình liên hồ chứa, nếu mực nước hồ cao hơn mực nước đón lũ, các hồ chứa phải xả nước để đưa được mực nước hồ về mực nước đón lũ trước khi xảy ra lũ 24 giờ.
H.S
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.