Khổ công truyền nghề 'âm nhạc truyền thống'

01/01/2014 10:29 GMT+7

Học đã khó, ra trường lại không dễ kiếm cơm, nhiều môn học thuộc thể loại “âm nhạc truyền thống” như đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà, t’rưng, sáo, tam thập lục… ở trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai hầu như không có người học.

 
Cô Châu đang dạy đàn tam thập lục cho em Điểu Thị Mỹ Hạnh (13 tuổi, dân tộc Châu Ro).

Đến tận nhà tuyển sinh

Thầy Phùng Ngọc Long, trưởng Khoa âm nhạc phương Tây, kiêm phụ trách đào tạo khối nghệ thuật Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai cho biết, trường đào tạo ba loại hình chính: âm nhạc phương Tây, âm nhạc truyền thống, thanh nhạc và múa. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 120. Trong khi số lượng học viên loại hình nhạc phương Tây chiếm đa số thì âm nhạc truyền thống hầu như không có ai lựa chọn. Lý giải về điều này, thầy Long nói: “Các em không thích học âm nhạc truyền thống vì học nghề này không “kiếm cơm” được. Nếu theo học âm nhạc phương Tây như piano, organ…thì chừng hai năm là có thể tham gia vào mấy đám cưới, xập xình vài tiếng đồng hồ cũng có thể kiếm tiền, còn học những môn nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, tỳ bà, tranh… thì rất khó vì nó kén công chúng”.

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, các thầy cô của trường lại lặn lội đến từng thôn, bản, xóm, làng, vào tận nhà các em (chủ yếu là con em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 11 tới 15) tuyển chọn. Khi thấy các em có chút năng khiếu, triển vọng thì thuyết phục gia đình, thậm chí “dụ dỗ” để các em chấp nhận xa quê theo thầy cô lên thành phố nhập học”. Thầy Long chia sẻ.

 
Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên, (18 tuổi), một học viên dân tộc Kinh hiếm hoi cho biết, lúc mới vào em chưa biết mặt mũi cây đàn Tỳ bà là như thế nào nhưng bây giờ thì thích lắm.

Khóc vì nghe tiếng đàn bầu buồn

Mặc dù tới tận nhà rước học sinh về học như vậy nhưng không phải lúc nào cũng thuận chèo mát mái. “Có nhiều lần thuyết phục được các em rồi mà gia đình thì lại không đồng ý, rốt cuộc cũng đành chịu. Lại có trường hợp, gia đình và bản thân các em đã đã đồng ý, nhưng tới thời điểm nhập học các em lại đổi ý không muốn học nữa”. Cô Lê Thị Minh Châu, nguyên phó hiệu trưởng nhà trường, phụ trách môn đàn tam thập lục và đàn t’rưng cười buồn nói.

Còn với cô Nguyễn Thị Ánh, trưởng khoa âm nhạc truyền thống, trực tiếp dạy môn đàn tỳ bà và đàn bầu lại có những kỷ niệm khó quên đối với học trò. Cô Ánh kể rằng, khi vào tận nhà các em tuyển sinh, các cô không mang theo nhạc cụ mà chỉ gõ vào thành bàn để thẩm âm, tiết tấu, trí nhớ của các em rồi nhận và phân ngành ngay lúc đó. Các em không biết mặt mũi nhạc cụ mà mình sẽ theo học sẽ như thế nào, nên có em khi nhập học mới la toáng lên: Cô ơi con không học đàn này đâu. Mình cố gắng thuyết phục thì các em kiên quyết: Nếu cô cứ ép con học thì con sẽ bỏ về. Vậy là đành phải chuyển các em qua học loại đàn khác. Rồi lại có em theo học đàn bầu, nhưng mỗi lần đi học là khóc. Hỏi sao thì trả lời: nghe tiếng đàn bầu buồn.  

Trong âm nhạc truyền thống, thầy cô phần lớn chọn những em là người dân tộc thiểu số để truyền dạy. “Những em này chịu khó và học rất say mê nếu như mình truyền được lửa và niềm đam mê cho các em”. Cô Ánh nói. Nhưng ngược lại, khó khăn lớn nhất của các em là khả năng tiếng kinh hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong học tập. Đã có nhiều trường hợp vì lý do này mà các em nản chí đòi bỏ học”, một giáo viên dạy ở đây cho biết.

Bài, ảnh: Lê Lâm

>> Biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam ở các trường ĐH Mỹ
>> Đừng làm biến dạng âm nhạc dân tộc
>> GS-TS Nguyễn Thuyết Phong ưu tư với âm nhạc dân tộc
>> Suốt đời vì âm nhạc dân tộc
>> m nhạc dân tộc Đông Nam Á đang mai một
>> Ngôi nhà âm nhạc dân tộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.