Kêu cứu ở chợ tiền tỉ

23/10/2014 10:37 GMT+7

Sau gần 3 tháng vào chợ mới, tiểu thương kêu cứu bởi nếu bám trụ thì ế ẩm còn trở lại chợ tạm thì bị đẩy đuổi, tịch thu sinh kế.

Chợ mới
Chỉ còn 20 hộ bám trụ ở chợ mới trong tình trạng ế ẩm - Ảnh: Nguyễn Tú

Trước đây 39 tiểu thương bán tại giao lộ DT605 - QL1 (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang TP.Đà Nẵng) không đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan nên thành phố đầu tư xây chợ Hòa Châu ở khu dân cư nam Cẩm Lệ với kinh phí gần 6 tỉ đồng. Theo tiểu thương chợ mới không phù hợp do khu này mới chỉ vài hộ dựng nhà, đường xung quanh chưa thảm nhựa và trái tuyến nên chỉ bán được cho người dân thôn Đông Hòa, Bàu Cầu (xã Hòa Châu) tại chỗ, 6 thôn còn lại của xã đi các chợ địa phương khác.

Trước đó, tiểu thương đã rất bức xúc bởi chợ mới chưa hoạt động mà UBND xã Hòa Châu nhiều lần đuổi tiểu thương khỏi chợ tạm. Báo Thanh Niên cũng đã có bài Đẩy tiểu thương vào chỗ khó cảnh báo tình trạng chợ mới rơi vào ế ẩm, nhưng sau đó địa phương vẫn tiếp tục đưa tiểu thương vào chợ mới. Nhưng rồi kế hoạch khai trương chợ mới vào tháng 4 nhiều lần phá sản cho đến 21.7 tiểu thương mới chấp nhận dọn vào chợ mới. Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cũng thừa nhận tiểu thương đang gặp khó bởi chợ ế ẩm, đồng thời cho biết đường chưa thảm nhựa là do dân cư chưa đông và địa bàn xã rộng gần 10 km2 nên rất khó kêu gọi người dân đi chợ Hòa Châu hay vào chợ Hòa Châu buôn bán.

Do vậy chợ mới tuy hoành tráng nhưng hiện chỉ còn khoảng 20 tiểu thương buôn bán cầm cự trong 46 hộ đăng ký, trong đó gồm 33 tiểu thương chợ tạm (đã nghỉ 6 hộ) và 13 tiểu thương mới, còn hơn 80 tiểu thương đăng ký trước đó đã rút lui khi thấy chợ mới nằm ở khu vực đìu hiu.

Bà Lê Thị Hồng (49 tuổi, trú thôn Đông Hòa) cho hay trước đây ở chợ tạm bán được khoảng 50 kg cá/ngày, kiếm khoảng 200.000 đồng, nhưng ở chợ mới bán chưa được 20 kg do chỉ bán được 1 tiếng đồng hồ buổi sáng là hết khách. Do đó những ngày qua vào cuối giờ chiều, tiểu thương phải mang các mặt hàng tươi sống qua P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ hoặc trở lại chợ tạm để bán vớt vát thì bị cơ quan chức năng đẩy đuổi, tịch thu vật dụng, hàng hóa.

Tiểu thương còn cho rằng giá mua mặt bằng tại chợ Hòa Châu quá cao, từ 20-40 triệu đồng/quầy và 90 triệu đồng/ki ốt. Ông Bình giải thích mức giá trên là do áp dụng chủ trương ngân sách đầu tư 50% trong kinh phí 6 tỉ đồng xây dựng, 50% còn lại xã hội hóa theo phương thức bán mặt bằng cho tiểu thương. Về việc phương án xây chợ không bàn với tiểu thương, ông Bình cho rằng việc xây chợ không chỉ phục vụ tiểu thương chợ tạm mà còn cả khu dân cư nam Cẩm Lệ. Nhưng khu dân cư này bao giờ đông đúc là chuyện của tương lai, còn trước mắt các tiểu thương cũ có nguy cơ bỏ chợ mới.

Tiểu thương Ngô Thị Lắm (43 tuổi) cho hay họ rất muốn chấp hành chủ trương chung và gầy dựng chợ mới, chỉ xin một khu vực giải quyết hàng tồn đọng vào buổi chiều để quay vòng vốn, chứ nếu bán không đủ sống thì tiểu thương sẽ bỏ chợ, nhưng cũng không biết mưu sinh thế nào do chị em ai cũng ngoài 50 tuổi và gắn bó với chợ tạm 20-30 năm.

Ông Bình cho hay đã tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán bằng cách không thu tiền mặt bằng trong 3 tháng đầu, dự kiến từ tháng thứ 4 tiểu thương nộp 30% phí mua mặt bằng, 9 tháng sau thu 40% nữa và 9 tháng tiếp theo thu đủ, nhưng trước tình hình ế ẩm hiện tại, ông Bình cho biết sẽ đề xuất các cấp có biện pháp tháo gỡ.

Nguyễn Tú

>> Tiểu thương 'ngại' về... chợ mới
>> Tiểu thương chợ Tân Bình băn khoăn về dự án xây chợ mới
>> Chợ 'cóc' ép chợ mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.