Ì ạch tàu “67”

10/04/2015 08:48 GMT+7

Là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng sau hơn 7 tháng, cả tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có 1 tàu được hạ thủy.

Là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng sau hơn 7 tháng, cả tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có 1 tàu được hạ thủy.

Ì ạch tàu “67”Do không được vay vốn ưu đãi, nhiều ngư dân Quảng Ngãi buộc phải vay nóng để nâng cấp hạng mục gia cố bọc thép cho tàu cá vỏ gỗ - Ảnh: Hiển Cừ
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014-2016, Bộ NN-PTNT phân bổ cho Quảng Ngãi đóng mới 189 tàu vỏ gỗ, vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400-800 CV trở lên, trong đó có 174 tàu khai thác thủy sản và 15 tàu dịch vụ hậu cần. Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách 79 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia vay vốn ưu đãi để đóng mới 73 tàu (27 tàu vỏ thép, 41 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ composite) và 6 tàu nâng cấp; đồng thời công bố trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở đủ điều kiện nâng cấp, đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ.
Với mong muốn từng bước hiện đại hóa đội tàu cá trên địa bàn tỉnh, giúp ngư dân vững tin bám khơi xa mưu sinh, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển một cách bền vững, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị định 67 song đến cuối tháng 3.2015, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 3 tàu được các ngân hàng thương mại giải ngân với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng trên tổng số 38,8 tỉ đồng cam kết cho vay, trong đó có 1 tàu đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc thực hiện chính sách tín dụng để đóng mới và nâng cấp tàu cá ở Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, các chi nhánh ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn cho vay vì sợ không thu hồi được nợ, đặc biệt là đối với tàu vỏ thép nên chỉ xem xét để cho vay với số lượng rất hạn chế.
Cũng theo ông Chữ, có trường hợp chủ tàu đảm bảo điều kiện theo quy định của Nghị định 67, rất tâm huyết với tàu vỏ thép và cũng đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt trong danh sách nhưng không được ngân hàng thương mại cho vay, gây bức xúc đối với chủ tàu và cộng đồng ngư dân, ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước.
Một vướng mắc nữa là hầu hết các chủ tàu đều có nguyện vọng được dùng máy đã qua sử dụng để giảm chi phí đóng tàu, giảm tiền vay, tăng khả năng trả nợ. Nếu phải mua máy mới 100% thì phần lớn ngư dân rất lo ngại, không mạnh dạn đầu tư dẫn đến số lượng chủ tàu thực hiện theo danh sách đã được phê duyệt rất thấp.
Ngư dân Phạm Văn Hoa (ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết, dù rất muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu nhưng thấy thủ tục quá nhiêu khê nên gia đình phải thế chấp tài sản đi vay mới có tiền bọc thép xung quanh tàu vỏ gỗ nhằm tăng tuổi thọ tàu, đồng thời chống chọi lại với những va đập mạnh trên biển. “Nếu như những hạng mục này được nhà nước cho vay vốn ưu đãi thì ngư dân chúng tôi sẽ bớt phần khó khăn”, ông Hoa bày tỏ.
Trước những vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các bộ, ngành T.Ư sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Trong đó, việc sử dụng máy mới đối với tàu cá đóng mới, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các bộ, ngành T.Ư cần nghiên cứu để phù hợp với điều kiện thực tế ngư dân hoặc có chính sách hỗ trợ thêm (hỗ trợ phần kinh phí chênh lệch giữa máy cũ và máy mới) hoặc chỉ yêu cầu phải trang bị máy mới đối với tàu cá vỏ thép, còn tàu vỏ gỗ được trang bị máy đã qua sử dụng để ngư dân mạnh dạn đăng ký thực hiện chính sách.
Riêng về thời hạn vay vốn đối với đóng tàu vỏ thép, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do tàu vỏ thép có giá thành cao hơn, thời gian sử dụng dài hơn tàu vỏ gỗ nên để đảm bảo tính khả thi cao của hồ sơ vay vốn (giảm giá trị khấu hao tàu hàng năm), Chính phủ cần kéo dài thời hạn cho vay vốn ưu đãi từ 10 năm lên 16 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn trả lãi và chưa phải trả nợ gốc.
Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Quảng Ngãi về chương trình hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị quyết của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngư dân là người làm chủ phương tiện, họ đi vay nên phải lo sản xuất và lo trả nợ. Vì thế, ngư dân hiểu rằng phải làm gì với đồng vốn vay để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. “Việc ngư dân muốn mua máy qua sử dụng nhưng còn tốt, giá rẻ hơn 1/3 so với máy mới cũng là một đề nghị hợp lý cần nghiên cứu”, ông Hiển nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.