Hơn 30 năm 'nhặt' người điên về nuôi

20/05/2015 14:44 GMT+7

Ông Phạm Văn Nhẫn, 53 tuổi, ở thôn Chi Ngôn (xã Thanh Hải, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) được gọi là “Nhẫn gàn” vì đã dành hơn nửa cuộc đời để nuôi những người điên.

Ông Phạm Văn Nhẫn, 53 tuổi, ở thôn Chi Ngôn (xã Thanh Hải, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) được gọi là “Nhẫn gàn” vì đã dành hơn nửa cuộc đời để nuôi những người điên.

Ông Phạm Văn Nhẫn (bên phải) đang chăm sóc người điên Trần Văn Cường đã được ông nuôi 7 năm nay.Ông Phạm Văn Nhẫn (bên phải) đang chăm sóc người điên Trần Văn Cường đã được ông nuôi 7 năm nay.
Ngôi nhà cấp 4 của ông Nhẫn nằm bên cạnh quốc lộ 1A là nơi trú ngụ của rất nhiều người điên. Ông Nhẫn cho biết, hơn 30 năm qua, con số mà ông đã cưu mang lên đến hàng trăm người, nhiều người không chỉ có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang… mà các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Văn Tập - Trưởng Công an xã Thanh Hải (H.Thanh Liêm, Hà Nam)  - cho biết: “Việc cứu người của ông Nhẫn xuất phát từ lòng nhân ái, không đòi hỏi công lao. Chúng tôi đánh giá cao việc làm rất tốt của ông, tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, thậm chí hy sinh bản thân, gia đình cho việc cứu người”.
Sớm mồ côi cha, sau đó mẹ đi lấy chồng, cậu bé Nhẫn ngày ấy lớn lên trong tình thương của ông bà ngoại. Học hết lớp 7, ông tình nguyện đi bộ đội. Năm 18 tuổi, ông kết duyên với người con gái cùng làng Đào Thị Lam đồng cảnh ngộ rồi về phục viên tại quê nhà.
Cuộc đời của ông “Nhẫn gàn” bắt đầu duyên nợ với người điên khi ông 21 tuổi. Năm đó, hai vợ chồng đang phơi rơm ngoài đường thì chợt nghe tiếng trẻ con khóc. Ông Nhẫn phát hiện một cháu bé bị lạc đường. Không ngần ngại, hai vợ chồng ông đã đưa cháu về nhà tắm rửa và cho ăn uống. Hỏi chuyện mới biết cháu ở một xã khác lạc đến. Ngay sáng hôm sau, ông Nhẫn tìm đường đưa cháu bé về nhà và trao trả tận tay cho gia đình. Kể từ ngày đó, cứ thấy ai bị thất lạc, nhất là những người điên, ông lại đưa họ về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi tìm được gia đình họ. Nhiều người biết đến chuyện này, nên hễ cứ thấy người điên ở đâu là họ lại dẫn về…giao cho ông.
Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông cho biết: “Tháng trước có tất cả 4 người ở đây, nhưng vừa mới có 3 người được về với gia đình rồi, từ đầu năm tới nay có 9 người đã được người thân đón về”. Người ở lại với gia đình ông lâu nhất, 7 năm nay, là anh Trần Văn Cường ở thị trấn Vôi (Bắc Giang). Trường hợp anh Cường vô cùng đặc biệt. Không phải ông Nhẫn mang về, mà anh Cường tự tìm đến. Hôm đó, vào nửa đêm, đang ngủ, vợ chồng ông Nhẫn nghe tiếng chửi bới, đập phá ngoài cửa. Chạy ra thì thấy một người đàn ông đầu tóc bẩn thỉu, rách rưới, máu me, bùn đất bám khắp người đang chửi bới, phá phách. Không ngại nguy hiểm, ông Nhẫn khống chế anh Cường, đưa vào nhà rồi đun nước tắm rửa, dỗ dành cho ăn, cho ngủ…
Ở với gia đình ông Nhẫn mấy tháng, anh Cường mới nhớ được gia đình ở Bắc Giang. Liên lạc về Bắc Giang nhiều lần, ông Nhẫn nhận được thông tin anh Cường đúng là gốc tích ở đó, nhưng đã bỏ đi khỏi địa phương hơn 20 năm, gia đình không còn ai thân thích. Cuộc tìm kiếm đang vô vọng thì ông Nhẫn nhận được một cuộc gọi từ miền Nam ra. Người phụ nữ đó nhận là em gái anh Cường, đã lấy chồng, đang làm công nhân ở TP.HCM. Nhưng nhận là nhận vậy, rồi cảm ơn, hứa hẹn nhiều lần ra đón, nhưng chị này cũng không có điều kiện nên vẫn để anh Cường ở nhà ông từ đó đến nay.
Vất vả nuôi người điên
Điều đáng nói là cuộc sống của gia đình ông luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Ông có tới 4 đứa con (2 trai, 2 gái). Để nuôi chúng lớn khôn, trưởng thành cũng đã quá vất vả đôi với vợ chồng ông, khi cơ nghiệp chỉ có 8 sào ruộng vùng chiêm trũng. Đã thế từ lúc nhặt người điên về nuôi thì quanh năm nhà ông lúc nào cũng có thêm nhân khẩu. Vợ chồng ông phải làm đủ các thứ nghề từ vá xe đạp, đi kéo lưới đêm đến bán bánh mỳ bên quốc lộ để sinh sống. Ông và vợ phải làm việc rất vất vả nhưng có lúc vẫn không đủ chi tiêu. Suốt bao năm chăm chỉ lao động nhưng hiện ông vẫn ở căn nhà cấp 4 ven đường và gia tài không có gì đáng giá. Có lúc căn nhà ấy đón tới 6 - 7 người điên đến ở. Không đủ chỗ nằm, vợ chồng ông phải trải chiếu xuống nền nhà. Không chỉ có vậy, việc chăm sóc, nuôi những người này rất vất vả, 2 ông bà phải thay nhau. Khi ông đi làm thì bà phải ở nhà và ngược lại. Việc sinh hoạt của họ đều phải bắt: bắt tắm, bắt ăn, bắt ngủ… khiến nhiều khi ông phải cầm dao dọa họ mới chịu nghe lời.
Ông Phạm Văn Nhẫn với những giấy tờ liên quan đến người điên. Ảnh- Trần HồÔng Phạm Văn Nhẫn với những giấy tờ liên quan đến người điên. Ảnh- Trần Hồ
“Để xác nhận nhân thân, tìm được quê quán của họ cũng khó khăn lắm, vì họ không nhớ được. Hỏi thì họ trả lời thì lúc đúng lúc sai. Vì thế phải gặng hỏi rất nhiều lần, rồi chắp nối lại thì mới tìm được địa chỉ. Tôi thường phải gọi đến tổng đài 1080 để dò hỏi số điện thoại của UBND địa phương, rồi gọi tới xác minh thông tin, liên lạc với người thân trong gia đình đến đón về. Tiền điện thoại mỗi tháng cũng phải đến hàng triệu”, ông Nhẫn chia sẻ.
Để đảm bảo tính hợp pháp, từ năm 2013, ông cẩn thận làm giấy tờ, ghi rõ thông tin của người đến đón, có xác nhận của công an địa phương rồi mới giao cho gia đình. Chỉ tính riêng năm ngoái, ông đã xác nhận cho 21 trường hợp được về với người thân. Cũng chính nhờ sự cẩn thận ấy, năm 2014, ông Nhẫn đã giúp cho cơ quan công an bắt được một đối tượng truy nã trong TP. HCM và được công an tỉnh Hà Nam tặng bằng khen.
Làm phúc “con người” mất con mình
Mất mát, đau đớn nhất trong cuộc đời ông, là việc con trai cả của ông đã ra đi vĩnh viễn do tai nạn giao thông, khi anh mới 20 tuổi. Năm 2005, khi anh Phạm Văn Kiên vừa xuất ngũ trở về, ông đang tính cho con học nghề sửa chữa xe máy thì tai họa ập đến.
Ngày đó, gia đình ông đang cưu mang cháu bé 10 tuổi quê Quãng Ngãi, bỏ nhà đi lạc. Ông đã nuôi nấng và liên lạc được với người thân. Tuy nhiên ngày gia đình cậu bé đến đón con họ, thì cũng là ngày ông mất con. Trên đường đi mua bia về liên hoan chia tay cậu bé, thì con ông đã bị một chiếc xe khách đi ngược chiều đâm phải. Cái ngày định mệnh đó, ông đau đớn vô cùng. Lúc ấy, có người còn độc miệng bảo: “Nếu không làm việc đó thì đâu mất con”. Khi ấy, ông đã có ý định từ bỏ công việc “điên khùng” này. Nhưng cứ ra đường, thấy những trường hợp lang thang, cơ nhỡ, ông lại không thể bỏ mặc. Và trong thâm tâm mình, ông tin rằng cậu con trai dưới suối vàng cũng sẽ thông cảm và ủng hộ ông.
Thầm lặng làm những công việc ý nghĩa đó, năm 2013, ông đã được UBND tỉnh Hà Nam đã tặng bằng khen vì "Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo từ thiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.