Học sinh ngoan cũng nói tục, chửi bậy - Bài 3: Cần giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch

01/07/2015 09:18 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã có nhiều biện pháp để bài trừ nạn nói tục, chửi bậy nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã có nhiều biện pháp để bài trừ nạn nói tục, chửi bậy nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Hình ảnh các sinh viên tình nguyện giúp đỡ thí sinh và người nhà trong mùa thi, luôn để lại ấn tượng tốt với xã hội
Hình ảnh các sinh viên tình nguyện giúp đỡ thí sinh và người nhà trong mùa thi, luôn để lại ấn tượng tốt với xã hội - Ảnh: Ngọc Thắng
* Thưa ông, nhiều người cho rằng hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy ngày càng gia tăng. Vậy ngành giáo dục có giải pháp gì?
- Vấn đề đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh Thủ đô đã được đặt ra ngay sau khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây.
Về ngôn ngữ, ứng xử, ngành không chỉ quan tâm bài trừ việc nói tục chửi bậy mà còn chú ý đến cả việc chống nói ngọng cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Đặc biệt, từ cách đây 5 năm, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà giáo Hà Nội đã trăn trở tìm “món quà” xứng đáng tặng người dân Thủ đô, đó chính là chương trình và tài liệu giáo dục học sinh nếp sống văn minh, thanh lịch. Sau khi thí điểm ở 18 trường trên toàn thành phố, chúng tôi đã đưa vào dạy đại trà cho học sinh phổ thông trên toàn địa bàn từ học kỳ 2, năm học 2010 - 2011.
Ngoài ra, cùng với cả nước, các trường học của Hà Nội cũng đang thực hiện cuộc vận động xây dựng Trường học thân thiện - Học sinh tích cực, mà trong đó học sinh không nói tục chửi thề là một tiêu chí.
* Chương trình đó có khác gì với các tiết đạo đức - giáo dục công dân đang áp dụng cho học sinh toàn quốc, thưa ông?
- Nó được lồng ghép trong các tiết học đạo đức - giáo dục công dân, nhưng Sở GD-ĐT đã yêu cầu, tránh sa vào giáo điều như cách dạy đạo đức trong nhà trường hiện nay. Với cấp tiểu học, mỗi năm học các em được học 8 tiết; cấp THCS và THPT số tiết ít hơn với 6 tiết/ năm học. Nhưng trong quá trình giáo dục, các nội dung trong tài liệu sẽ được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, được tích hợp trong tất cả các môn học. Hoạt động quan trọng nhất, để giúp các em “thấm” được những lời dạy dỗ từ thầy cô chính là các buổi sinh hoạt tâp thể theo các chủ đề.
Vào tiết chào cờ đầu tuần, thay vì chỉ đưa ra những thông báo, quy định cứng nhắc, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh trình diễn tiểu phẩm, thông qua đó gửi tới học sinh toàn trường những thông điệp có tính giáo dục đạo đức.
* Nhưng thực tế thì tình trạng học sinh nói tục, chửi bậy dường như không giảm?
- Tôi xin khẳng định, trong môi trường trường học thì hiện tượng học sinh nói tục chửi bậy là cá biệt. Nhưng đúng là khi ra ngoài đường, các em ít giữ gìn hơn về lời ăn tiếng nói, dùng nhiều tiếng lóng, và nhiều trường hợp không ngại ngần văng tục, chửi bậy. Đây là điều đáng tiếc. Nhưng trường học không phải là ốc đảo, là phòng bệnh vô trùng miễn nhiễm với mọi thói hư, tật xấu của xã hội. Nhà trường đã dạy dỗ các em rồi, nhưng bố mẹ, người thân của các em có đủ sát sao để cho con mình không đi chệch ra khỏi những lằn ranh văn hóa?
Và một yếu tố quan trọng là thái độ, cách ứng xử của người lớn trong gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Bắt các em phải văn minh lịch sự, khi mà có rất nhiều hiện tượng người lớn không gương mẫu.
Vì thế, mới đây, thành phố đưa ra quy định chống nói tục chửi bậy cho công dân Thủ đô. Đây là một kế hoạch mà ngành GD-ĐT rất ủng hộ. Nhà trường cần nỗ lực tạo phông nền văn hóa chắc chắn cho các em để có thể đề kháng với các thói hư tật xấu của xã hội.
Chúng tôi đã tâm niệm dạy dỗ học sinh cẩn thận từ bây giờ để có những thế hệ công dân Thủ đô gương mẫu, nhưng vấn đề hiện nay là cần phải có những người lớn gương mẫu đã. Vì thế, chúng tôi rất mong có sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị trong vấn nạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.