Hoài niệm những ngày cuối năm

31/12/2012 10:28 GMT+7

Mỗi năm cứ đông qua xuân tới, trong những phút tĩnh lặng cuối ngày, cuối năm, ký ức thường dẫn tôi về với thời thơ ấu ở một làng nhỏ bên tả ngạn con sông Kiến Giang quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình).

Năm 1954, từ chiến khu ven chân thềm Trường Sơn, những người nông dân tản cư kháng chiến về lại với cánh đồng châu thổ thượng nguồn Nhật Lệ đã bời bời hoang hóa. m vang ca khúc “Giải phóng Điện Biên” lồng trong phong trào tổ đổi công, bình dân học vụ chống giặc đói giặc dốt.

Những đêm trăng đầu tiên tôi biết nhớ, sân nhà chất đầy lúa. Mùi nồng nàn ẩm mục của lúa ủ vài ngày chưa kịp trục đạp. Đêm, người ta rải lúa ra sân theo hình bầu dục, dẫn một làn trâu đi vòng quanh, lợi dụng sức nặng của chân trâu đạp cho lúa rụng. Lâu lâu có một người hò lên, một người khác vội hứng cái thúng lót lá chuối vào dưới mông con vật để phân trâu khỏi rơi vào lúa. Tôi ngồi trước thềm nhà nhìn cảnh đạp lúa như thưởng thức một bộ phim cổ tích. Bên tôi, con chó vàng củng đồng cảm, mơ màng . Có tiếng sáo trúc vắt vẻo xa xa. Tiếng lá cau cọ vào nhau xạc xào. Tiếng chân trâu dẫm đều đều. Hai thằng tôi rũ ra “ôm nhau đánh giấc dài- bất đồ ngủ đến sớm ngày mai”. Cái mũi ướt của con vàng cứ dán vào mặt làm tôi nhột thả cái “chăn lông” đang ôm chặt ra. Con chó chạy ra cổng sủa người lạ.

Vườn quê 
Vườn quê - Ảnh: Hạnh Chi
  

Đó là mùa hè, mùa của sinh trưởng thu hái. Mùa đông thì khác, lạnh lắm. Xóm làng cứ tím lại. Hợp tác xã chia thóc theo định suất, không tính bao chi phí khác đều nhờ vào hạt thóc. Mới giữa mùa đông , nhiều nhà đã phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng dân đồng chiêm quê tôi một ngày ăn năm bữa quen rồi, buộc bụng cũng không dể. Bữa cơm, nghe tiếng thìa vét rá vang lên, con chó nằm dưới đất không đủ kiên nhẫn. Nó đi quanh đánh động vào chân người, kêu ư ử ra điều thông báo rằng còn suất của tôi! 

Ngày đông chúng tôi bắt cá quay. Rét đậm rét hạị, dưới nước càng lạnh,cá chết cóng. Chúng tôi chèo thuyền dùng vợt vớt cá lên thuyền, mang về cho vào chậu nước ấm, cá sống lại.

Ngày đông chúng tôi đi chăn trâu. Thực ra, những kì rét đậm, trâu được nhốt trong chuồng. Bọn trẻ đến những cây rơm lớn (được xây cất từ sau vụ gặt) rút rơm mang về cho trâu ăn. Trâu ăn rơm không tốt, đứng cuồng chân trong chuồng, dể xuống sức, nhưng là trâu hợp tác xã, có người lớn lo. Bọn trẻ tụ tập bày trò đánh mạng, đánh bi, ù mọi. Những trò chơi dân gian xưa xắc ấy theo thời gian cứ mất dần, chỉ còn trong bộ nhớ.

Mùa đông, trẻ chăn trâu đi cắt cỏ. Những cây rơm dẫu lớn củng không đủ cho cả mùa rét. Vả lại, ăn rơm khô mãi trâu dể đổ, ngã, ra xuân không còn đủ sức cày. Phải đi cắt cỏ thôi. Trời rét hanh, cỏ đồng cạn chết hết, cỏ đồng sâu qua mùa lũ dính đầy phù sa. Phải chèo thuyền ra phá Hạc Hải mênh mông một màu xám rét mướt để bứt cỏ phá, để chống chọi với đỉa, với nước lạnh tê tái da thịt và những cơn gió tự do trên đồng hoang. Cỏ phá! Xin cho tôi khỏi nhắc lại những ngày gian khổ rét mướt đến tột cùng ấy. Mười tuổi, không hiểu sao một thằng bé tuổi ấy có thể chịu đựng được và biết ơn, nhờ vậy mà thành người rắn câng như cây cỏ phá.

Mùa đông, chúng tôi đi cấy lúa. Hồi ấy, giống lúa cũ phải cấy xong trước tết Nguyên đán để kịp trổ không gặp gió Lào sớm. Nhiều năm, chiều ba mươi Tết còn lụi hụi ngoài đồng, chao chân bờ ruộng trời đã mịt mù, lẹt đẹt tiếng pháo tép.

Sáng mùng hai Tết, chi đoàn, đội thiếu niên đã phát động ra đồng. Người dân quê tôi cấy lúa ruộng sâu khi nghiêng người cắm cây mạ nước chạm vành tai. Bọn trẻ chúng tôi chưa cấy được, chỉ quăng má thôi. Quăng má là phân phối mạ cho từng thợ cấy. Mạ được nhổ lên, dùng lạt giang buộc thành bó, lớn hơn chét tay “Vừa bằng thằng bé lên ba-thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng” là câu đố về bó mạ nhỏ này. Vài chục bó nhỏ thành một bó lớn. Người lớn gánh hoặc chở thuyền đưa mạ ra ngoài đồng. Chúng tôi lấy những bó nhỏ tung cho từng thợ cấy. Mạ nổi lập lờ sau chân từng người, cứ thế họ quờ tay nhặt, không mất công lội đi tìm. Quăng mạ cũng phải có kỹ thuật, từ xa tung bó mạ sao cho phần ngọn tiếp nước. Để phần gốc rơi xuống, nước bắn vào thợ cấy, lạnh, họ la rầy lắm. Các bạn nhớ cho, bất cứ cây gì phần gốc cũng nặng hơn. Gốc mạ dính đất càng nặng. Ném như ném còn của trò chơi vùng cao mà phần ngọn bó mạ rơi xuống trước là khó lắm đấy. Thế mà chúng tôi làm được. Lạ thật! Cũng là vì để mưu sinh, học hành.

Chúng tôi đi nơm cá, quê tôi gọi là chơm. Chơm mới là động từ- Nơm là danh từ. Cái nơm dùng để chơm cá. Chơm bằm là đứng thành hàng ngang, một người một cái nơm, có người khỏe mạnh hai tay hai cái cứ thế úp mạnh xuống ruộng. Úp được con cá chạy cuồng lên trong nơm gọi là cá đóng, thích lắm, liền ấn mạnh nơm xuống, hai chân dẫm quanh nơm để phòng con cá chui sâu xuống bùn ra ngoài, hai tay che miệng nơm giữ cho con cá khỏi nhảy qua. Rồi đó, thò tay vào khoắng, bắt cá bỏ vào giỏ gọi là cái rôộng. Chơm bằm, chơm đóng là thói quen của đàn ông. Chơm mò là thế mạnh của phụ nữ. Họ lội dọc hói (kênh) nước bụng, úp nhát nào cũng thò tay vào mò tìm, không có cá lại nhấc lên úp nhát khác, chậm rãi kiên nhẫn. Chúng tôi đi móc đam. Đam là cua đồng, nay đã thành đặc sản nhưng hồi áy còn là món dân dã. Ven những bờ ruộng có nhiều hang. Cứ mạnh tay thọc sâu vào, có khi phải chịu cho con đam quắp… lôi được ra, ném vào rôộng (giỏ) là ổn. Thỉnh thoảng cũng móc phải hang rắn, nhưng là rắn nước, cắn đau nhưng không…chết người. Không chết là tốt rồi.

Mùa đông chúng tôi đi học. Mà lạ, sao ký ức những ngày đến lớp không sâu nặng bằng những buổi chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá? Chân đất, không hề có cặp sách, nón lá áo tơi đội mưa tới lớp, học cấp 2, cấp 3 hẳn hoi. Lớp học trống hoang, gió lùa, ngồi im nghe giảng mà rét cóng tay viết không ra chữ. Không  trường chuyên lớp chọn, không vi tính, giáo cụ, cứ tiếng Việt truyền thống mà xơi, chép vào vở về nhà vứt đấy, cầm liềm cầm cuốc ra đồng. Tối về ăn vội bát cơm (độn sắn khoai) thu chân vào bao bố, chong đèn Hoa Kỳ, giở được vài trang là ngáp, mệt rũ rã, gục xuống. Ơ hay! học ít thế mà cứ lên lớp, thành người “Như gió…bay đi khắp nơi… tung cánh… chim bốn phương trời” (lời một ca khúc hồi ấy) vào sư phạm là thành thấy giáo, vào bách khoa thành kỹ sư, học tổng hợp ra cử nhân, mà thầy giáo thật, ưu tú, kỹ sư thật không rút thép công trình, cử nhân rin. Một số khác cầm súng vào Nam, thành anh hùng, thành liệt sĩ. Anh hùng thật, liệt sĩ… thật.

Cuối đông áp tết năm nay, tròn “ lục thập hoa giáp’, thong thả, tôi về làng, tìm một đàn trâu đứng nhai rơm trong dãy chuồng hợp tác xã, không còn. Tôi đi tìm đò cỏ phá, không thấy. Phá Hạc hải đang biến thành ruộng, nay mai thành làng mạc, từ làng mà đô thị hóa. Đi tìm một cậu choai choai cắt cỏ thì chỉ thấy thanh niên phóng xe máy vù vù, những cô nàng đi làm ăn xa mới về làng cứ để nguyên mắt xanh mỏ tím mà nhìn lên trời. Lại tìm người thợ cấy và thằng bé quăng má. Tuyệt nhiên không còn bóng dáng người đàn bà cúi lưng nghiêng người cắm dảnh mạ mặt nước chấm tai và thằng bé lội sấp ngửa lẩy bẩy ném từng bó mạ về phía thợ cấy sao cho phần ngọn nhẹ hơn phải rơi xuống trước. Toàn bộ diện tích cấy lúa đã chuyển sang gieo thẳng. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã cải tạo tận gốc cánh đồng làng tôi. Quỹ hỗ trợ Hoàng gia Anh làm cho con đường bê tông quanh cánh đồng rộng ngút mắt. Người chở phân ra ruộng bằng xe gắn máy. Vợ chồng đi thăm lúa ruộng nhà trên xe DreamII ôm eo khít rịt. Đi tìm người nơm cá, không thấy. Hóa chất thuốc trừ sâu ném xuống cá chết trắng đồng. Còn sót lại con nào thì đã có dụng cụ đánh bắt bằng xung điện tiêu diệt nốt. Chỉ còn cá công nghiệp tăng trọng trong ao bán theo vụ. Không còn trẻ móc đam. Đêm đên, người ta pha thuốc sâu thả xuống nước, tất cả “các thế hệ” đam đều bò ra khỏi hang, leo lên bờ, chỉ việc xúc vào bao, được hàng yến- tận diệt. Không còn những trò chơi dân gian đánh bi, đánh mạng, ù mọi, đánh khăng. Bé trai mười tuổi ngậm thuốc lá phì phèo, đầu đinh, chửi thề bai bải. Đi đi tìm thằng bé chăn trâu - có một thằng bé chăn trâu. Nó buồn bã nhìn tôi, chán nản và sốt ruột với công việc, đang chờ ba mẹ ra thay để chạy vào quán “chat” trong xóm…

…May thay, còn một chút kỷ niệm. Đầu làng vẫn hiển hiện sừng sững những cây rơm khổng lồ, những kim tự tháp đồng chiêm vươn cao đầy đặn, béo tốt giữa ráng chiều. Ôi! kim tự tháp rơm! Một thời thơ ấu rét mướt đói khát chúng tôi tựa cây rơm mà lớn lên-thành người. Tôi tụt giày, giẫm chân trần lên lớp rơm ram ráp ấm sực- khi con người còn biết ăn hạt cơm- hạt ngọc quê nhà thì trái tim còn biết rung lên trước hình bóng những cây rơm. Chỉ còn một chút ít đó thôi mà như đánh thức tất cả- cả bóng hình em mờ ảo một đêm năm nào lạnh buốt, cùng đứng áp lưng vào gốc cây rơm, rúc đầu vào áo bông quân phục của tôi, khụt khịt bởi mùi mồ hôi lính, rằng: Anh vô chiến trường đừng chết nghe, em chờ...!

Đồng Hới cuối đông 2012

                                                                          Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.