Hàng rong, chặt chém làm “ô nhiễm” du lịch

15/05/2013 11:34 GMT+7

Hội Nhà báo Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh tổ chức hội thảo “Môi trường du lịch tại TP.Vũng Tàu” nhằm mục đích xây dựng môi trường du lịch của thành phố ngày càng lành mạnh.

Vấn nạn hàng rong

Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Hội nhà báo BR-VT Nguyễn Thị Minh Hà nói: “Mặc dù chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tại các bãi tắm… nhưng sức hút đối với du khách đến với Vũng Tàu vẫn chưa mạnh. Du khách vẫn phàn nàn về tình trạng bị hàng rong đeo bám, bị chặt chém trong giá cả dịch vụ, các ứng xử còn thiếu văn minh từ những người kinh doanh theo kiểu chụp giật…”.

bán hàng rong
Bán hàng rong tràn lan ở Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) ngay biển báo cấm - Ảnh: Nguyễn Long

Tại Vũng Tàu, chính quyền thành phố đã lắp đặt gần 50 biển báo cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến đường từ nhiều năm nay và giao cho các ngành chức năng tiến hành kiểm tra quản lý, xử lý những vi phạm trong hoạt động buôn bán hàng rong. Nhưng trên  thực tế “vấn nạn” này vẫn tồn tại, thậm chí có chiều hướng phát triển mạnh. Nhà báo Huỳnh Liên, Báo BR-VT nhìn nhận, tại TP.Vũng Tàu, hàng rong được coi là một vấn nạn, nó làm ô nhiễm môi trường du lịch. Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự tồn tại của hàng rong vì hiện nay vẫn đang còn một bộ phận không nhỏ du khách cần đến hàng rong. “Chính quyền phải chấp nhận sự tồn tại của hàng rong và xác định “sống chung” với nó để tìm ra giải pháp quản lý phù hợp chứ không phải cấm đoán như hiện nay”, nhà báo Huỳnh Liên nói.

Nhà báo Huỳnh Liên đưa ra mô hình quản lý hàng rong bằng cách thành lập các tổ tự quản của những người bán hàng rong, soạn thảo quy chế buôn bán hàng rong, quy hoạch các khu vực được phép buôn bán hàng rong…

Chặt chém thành bệnh nan y…

Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh BR-VT cho rằng vấn nạn “cò mồi” và chặt chém du khách đã trở thành căn bệnh nan y đối với một số cơ sở kinh doanh du lịch tại TP.Vũng Tàu. Xảy ra nạn “cò mồi”, chặt chém khách du lịch là do sự quản lý còn lỏng lẻo, hay xử lý chưa tới nơi tới chốn của các cơ quan có thẩm quyền làm cho một số hộ kinh doanh chụp giật bị “lờn thuốc”. Các cơ sở kinh doanh chặt chém bằng cách nhiều chiêu thức, thủ đoạn khác nhau như không niêm yết giá hoặc niêm yết giá một cách chung chung, nhất là đối với mặt hàng hải sản; chặt chém bằng cách cân trọng lượng không chính xác; tăng giá thực phẩm vô tội vạ… ”Ngoài ra, việc chủ quán chi hoa hồng cao từ 20 – 30% cho một tài xế taxi, xích lô nếu đưa được khách đến quán cũng dẫn đến nạn chèo kéo và đưa du khách đến quán ăn chặt chém. Điều này chỉ có du khách là những người thiệt thòi mà thôi”, ông Việt bức xúc.

bán hàng rong
Người bán hàng rong chèo kéo khách nước ngoài - Ảnh: Nguyễn Long

 

Tình trạng chi hoa hồng cho lái xe chở khách đến các bãi tắm, khu du lịch cũng được ông Việt đưa ra hội thảo. Ông Việt cho biết: “Tại các khu du lịch, việc cạnh tranh giành giật khách càng diễn ra khốc liệt. Để thu hút nhiều du khách, có được lợi nhuận cao, một số khu du lịch tư nhân sẵn sàng chi cho các tài xế chở khách du lịch một khoản hoa hồng đáng kể. Số tiền chi hoa hồng này là tiền chủ bãi tắm chặt chém từ các du khách”

“Đứng trước tình trạng đáng báo động nói trên, những người làm du lịch và các cơ quan chức năng có liên quan không tìm ra hướng đi đúng cho bài toán nan giải cò mồi, chặt chém thì chúng ta sẽ bất lực đứng nhìn sự tuột dốc của du lịch tình nhà”, ông Việt lo lắng.

Dù TP.Vũng Tàu, đã lắp đặt gần 50 biển báo cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến đường từ nhiều năm nay, nhưng dạo một vòng đường ven biển Hạ Long – Thùy Vân dễ dàng bắt gặp hàng chục người bán hàng rong trên tuyến đường này. Ngay trụ đặt biển báo cấm tụ tập, bán hàng rong nhưng vẫn có nhiều người đẩy xe, ôm hàng hóa đi bán… rong.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.