Giữ hồn sông núi: Bàn tay vàng giữa đại ngàn

14/07/2014 13:27 GMT+7

Già làng Quỳnh Míc đã ngoài 80 tuổi là người biết làm nhiều loại nhạc cụ của các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, C’tu. Ông cũng là người duy nhất biết làm khèn bè.

Giữ hồn sông núi: Bàn tay vàng giữa đại ngàn
Già làng Quỳnh Míc đang hoàn chỉnh chiếc khèn bè - Ảnh: Tuyết Khoa

Suốt đời gắn bó

Trong ngôi nhà nhỏ giữa núi rừng của thôn Zen (xã Hương Sơn, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế), già làng Quỳnh Míc lấy cho chúng tôi xem bộ đồ nghề với nhiều vật dụng thô sơ như dao, rựa, đục... và chiếc khèn bè đang làm dang dở. Bằng những vật dụng đơn giản ấy, qua bàn tay khéo léo của già Quỳnh Míc những ống nứa, ống tre, quả bầu, sáp ong... lại được chế tác thành những nhạc cụ với thanh âm độc đáo, say đắm lòng người.

Từ nhỏ, Quỳnh Míc đã đam mê văn nghệ và trở thành người chơi nhạc cụ hay có tiếng trong vùng. Thời trai trẻ, không ít cô gái xin theo vì tiếng đàn, tiếng khèn của ông. Từ đam mê ấy, ông tự mày mò và chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như areeng, ahen, abel, đàn tâm-prê, khèn, trống... Dù chiến tranh loạn lạc hay cuộc sống khó khăn, bộ đồ nghề làm nhạc cụ của già Quỳnh Míc vẫn không ngơi nghỉ. “Nhạc cụ của đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, C’tu đa phần giống nhau. Người làm nhạc cụ thì phải biết chơi nhạc cụ ấy mới có thể tạo ra những nhạc cụ hay”, già Quỳnh Míc nói. Già Quỳnh Míc cho biết hồi trai trẻ, ông rất thích chơi Abel. Nhạc cụ đầu tiên ông chế tác cũng chính là Abel - là nhạc cụ đặc trưng của người C’tu, dùng để tỏ tình, thể hiện tình cảm của những đôi trai gái. Nhiều chàng trai trong bản đến nhờ cụ làm giúp Abel để tỏ tình với những cô gái mình yêu. Từ cây Abel đầu tiên, già Quỳnh Míc tiếp tục mày mò và chế tác thành công nhiều nhạc cụ khác và gắn bó với chúng đến bây giờ.

Ông Hồ Sĩ Đét, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: “Trước đây có nhiều người làm nhạc cụ. Nhưng dần dần họ về với đại ngàn nên chỉ còn vài người biết làm. Đặc biệt, già Quỳnh Míc là người biết làm rất nhiều nhạc cụ. Nhiều người các vùng đến nhờ ông làm”.

Người cuối cùng

Vừa chỉnh âm cho cây khèn bè, già Quỳnh Míc cho biết trong tất cả các loại nhạc cụ, khèn bè làm khó nhất. Để làm một chiếc khèn bè phải vào rừng chọn những ống lô rang tốt, mang về phơi nắng một tháng rồi để trên giàn bếp một thời gian cho bóng đẹp và chắc chắn. Người làm phải sắp xếp các ống lô rang, dát thanh đồng tạo hình lưỡi gà, lỗ bấm... thật cẩn thận, khéo léo thì thanh âm mới hay, âm mới rộng. Để hoàn chỉnh một khèn bè hay phải mất cả tháng kỳ công.

Già Ra Pat A Ray sống tại thôn A Xăng, xã Thượng Long cũng là một người chơi và chế tác được nhiều nhạc cụ dân tộc nói: “Ở vùng cao này rất nhiều người biết chơi đàn, chơi chiêng, chơi khèn nhưng chỉ có một mình già Quỳnh Míc là người làm khèn bè được. Khèn ông làm vừa đẹp vừa hay, thổi rất thích. Khắp vùng này ai cũng đến làm ở cụ”. Già Quỳnh Xuân, hàng xóm cụ Quỳnh Míc kể, ngày trước, trong nhà già Quỳnh Míc treo rất nhiều nhạc cụ do già tự làm. Nhưng bây giờ gìa yếu không còn chơi khỏe nữa, cụ lấy những nhạc cụ ấy cho mọi người ai thích chơi. Ông Xuân cũng được cho vài nhạc cụ để chơi.

Chỉ vào đóng lô rang đang phơi nắng, già Quỳnh Míc cho biết, già chuẩn bị làm vài cây khèn bè để dành vì sợ ít bữa nữa già yếu làm không được. Con cháu C’tu khắp huyện thì không có ai biết làm. Bản thân những đứa con của cụ cũng không biết làm. Ai cũng bận rộn việc rừng việc rẫy. “Sức không còn khỏe, mắt không còn sáng như xưa nhưng vẫn còn muốn làm đàn làm khèn lắm. Muốn dạy cho con, cho cháu trong làng trong bản mà chẳng ai học làm. Rồi mai, không biết ai làm khèn, làm đàn cho dân bản”, già Quỳnh Míc trăn trở.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.