Giếng nước phun cao hơn 4 m

09/09/2014 08:10 GMT+7

Ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, hiện tượng giếng khoan phun nước ở thôn Phú Long, xã An Mỹ, H.Tuy An là giếng nước bình thường, không có tâm linh huyền bí như một số báo mạng nêu.

 Giếng khoan của nhà anh Thương tự phun trào

Nước giếng phun cao hơn 4 m - Ảnh: Đức Huy

Trước đó, khô hạn kéo dài khiến nhiều giếng nước ở thôn Phú Long và nhiều vùng lân cận khác thuộc xã An Mỹ, H.Tuy An khô đáy, nhưng khi anh Hồ Văn Thương (46 tuổi) ở thôn này thuê thợ khoan giếng thì thật bất ngờ: giếng phun trào nước với độ cao hơn 4 m. Và hiện nước giếng vẫn tiếp tục phun trào, phục vụ cho gần 100 hộ dân ở khu vực này.

Lâu nay, anh Thương sử dụng nước giếng của nhà bên cạnh nhưng do giếng nước này khô cạn nên anh Thương thuê ông Nguyễn Ngọc Mưu ở Đắk Lắk đến khoan giếng. Chỉ sau 1 ngày đêm khoan với độ sâu 24 m (xuyên qua lớp đá dày 14 m) thì nước phun trào. Thấy lạ, anh Thương lắp đặt hệ thống để lấy nước, nhưng do áp lực quá mạnh khiến ống nước bị vỡ. “Tui dùng xi măng trám lại, rồi chia nhiều ống và xả liên tục nên không còn xảy ra vỡ ống. Giếng khoan cách đây 3 tháng nhưng hiện giờ nước vẫn cứ chảy mạnh. Vì thế, gia đình tôi vừa tiết kiệm tiền điện bơm nước và cho gần 100 hộ dân sống xung quanh sử dụng”, anh Thương nói.

Trong khi đó, người dân ở đây cũng khoan giếng nhưng độ sâu từ 40-50 m thì phải dùng máy bơm mới bơm được nước. Chị Võ Thị Chí nhà gần bên, nói: “Lạ quá, nước từ dưới giếng cứ trào lên. Nhà tôi làm hồ chứa trên cao hơn 4 m, nước giếng khoan của anh Thương vẫn đẩy lên được. Trong lúc khô hạn, nhưng với nước giếng của anh Thương thì không những cả làng dùng thoải mái mà còn phải xả ra ngoài để ống nước khỏi bị vỡ”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mưu, người khoan giếng thuê hơn 24 năm trong nghề, “chinh chiến” khắp các tỉnh miền Trung - Tây nguyên nhưng chưa hề nhìn thấy hiện tượng nước phun trào mạnh như giếng anh Thương.

Ông Trần Thiện Thuật, thạc sĩ Khoa học địa chất, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), người có 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực địa chất cho biết, đây là nước áp lực. Theo nhận định ban đầu của thạc sĩ Thuật, hiện tượng nước áp lực mang tính khu vực thì lâu dài, còn nếu mang tính cục bộ thì phun trào một thời gian sẽ hết. “Đây là nhận định ban đầu, còn để đánh giá đúng về hiện tượng này thì phải khảo sát để xem qui mô của nó như thế nào, trữ lượng ra làm sao thì mới kết luận được”, thạc sĩ Thuật nói.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.