Gian nan đời thợ chẻ đá

20/01/2014 09:27 GMT+7

Giữa những vạt núi nham nhở, ngổn ngang đá ở huyện Đồng Phú (Bình Phước), những người thợ chẻ đá hì hục đục, đẽo trong tiếng quay búa chát chúa, liên hồi…

Gian nan đời thợ chẻ đá

Những viên đá tảng được thợ đá dùng sức chẻ thủ công vuông vức - Ảnh: Phước Hiệp

Vắt mồ hôi đổi chén cơm

Khác với hình dung của chúng tôi về những thợ đá to cao, cơ bắp cuồn cuộn, đa số người làm nghề chẻ đá ở đây đều nhỏ thó. Nhìn đôi bàn tay chai sần và gương mặt khắc khổ mới thấy hết cực nhọc của nghề này.

Trong cái nắng hầm hập, mồ hôi toát ra ướt đẫm chiếc áo sờn màu, anh Lưu Quang Tiến (ngụ xã Đồng Tâm, H.Đồng Phú) dùng chiếc đục sắt lần tìm vân đá rồi vung búa gõ xuống. Những tiếng búa chát chúa lặp đi lặp lại liên hồi trong khói bụi mù trời. Tấm thân gầy còm của anh oằn lên vẻ chịu đựng, nhẫn nại trước những thớ đá lầm lì. “Nghề này chua lắm anh ơi, ráng làm kiếm ít tiền sắm tết cho sắp nhỏ chứ công việc này vừa độc hại vừa lo tai nạn có thể rình rập bất cứ lúc nào”, anh Tiến thở dài nói.

Nghề chẻ đá nhọc nhằn đã đành nhưng lo nhất vẫn là tai nạn từ đá. Bị dăm đá văng vào người là chuyện bình thường mỗi ngày. Đa số thợ đá bị găm mẻ sắt, dăm đá vào hai bên mắt cá chân và tay. “Người làm đá lâu năm còn bị bệnh hoa mắt, ù tai, lầu dần sinh ra bệnh điếc, thậm chí bị mù cho bụi đá bay vào mắt mỗi ngày”. Anh Nguyễn Văn Mười, một thợ trầm ngâm kể.

Trong số mấy chục người đang hì hục đục đẽo, tôi đặc biệt chú ý đến một phu đá nữ. Chị đang vác từng tảng đá đã chẻ vuông vức xếp lên thành đống.   Gặng hỏi mãi, chị mới cho biết tên là Duyến, 40 tuổi, nhà ở H.Đồng Phú. “Nghề chẻ đá chỉ hợp với đàn ông, nhưng vì miếng cơm manh áo hàng ngày nên nhiều chị em phụ nữ như chúng tôi cũng theo chồng ra đây phụ việc. Mỗi ngày kiếm được từ 50-70.000 đồng tiền công”. Chị Duyến cho biết.

Đời thợ “ba không”

Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc các thợ chẻ đá dừng tay gác búa để ăn bữa trưa ngay trên triền núi. Xoay tấm bạt che nắng di động rồi đưa tay ngang mặt quẹt mồ hôi đen nhẻm còn nhễ nhại trên trán, anh Mười một phu đá có thâm niên ở đây cho biết thợ chẻ đá là thợ “ba không”: không bảo hiểm, không trang bị bảo hộ lao động và không có cuộc sống ổn định. Chỉ tay vào những vết sẹo sần sùi trên cơ thể, anh Mười buồn bã nói “Dấu tích để nhận diện những người làm nghề chẻ đá là đây. Nghề này chẳng thể gắn bó lâu dài được. Cũng tính làm vài năm nữa rồi kiếm tiền mua rẫy trồng điều. Chứ mai mốt sức khỏe già yếu không theo mãi nghề này mà sống được. Đời đá coi vậy mà bạc lắm..!”.

                                                          Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.