Giá tăng, nông dân vẫn đốn bỏ ca cao

12/08/2014 10:22 GMT+7

Từ giữa năm 2013 đến nay, mặc dù giá ca cao tăng khá mạnh nhưng nông dân ở Bến Tre vẫn tiếp tục đốn bỏ loài cây này.

Từ giữa năm 2013 đến nay, mặc dù giá ca cao tăng khá mạnh nhưng nông dân ở Bến Tre vẫn tiếp tục đốn bỏ loài cây này.

Nông dân vẫn đốn bỏ dù cây ca cao đang cho trái
 Nông dân vẫn đốn bỏ dù cây ca cao đang cho trái - Ảnh Giao Hòa

2 năm mất hơn 5.000 ha

Ông Lê Văn Nhạc (ngụ ấp 8, xã Châu Bình, H.Giồng Trôm) có 3 công ca cao với hơn 150 cây được trồng 10 năm trước. Vườn ca cao của ông từng là điểm trình diễn để bà con xung quanh học hỏi kinh nghiệm. Nhưng đến cuối năm 2013, ông Nhạc quyết định đốn ca cao để thay thế bằng bưởi da xanh và chanh. Ông Nhạc cho biết thu nhập từ ca cao ngày càng thấp, trong khi giá bưởi da xanh và chanh lại tăng cao. Hơn nữa, mấy năm gần đây, vườn ca cao của ông xuất hiện tình trạng trái bị héo, lép rồi rụng dần mà theo các cán bộ khuyến nông là do rải phân không đúng kỹ thuật. “Nếu biết kỹ thuật phức tạp như vậy từ đầu tôi đã không trồng ca cao, vì thu nhập không đủ bù đắp công sức và chi phí bỏ ra”, ông Nhạc nói.

 

Nếu biết kỹ thuật phức tạp như vậy từ đầu tôi đã không trồng ca cao, vì thu nhập không đủ bù đắp công sức và chi phí bỏ ra 

Ông Lê Văn Nhạc

Tại xã Mỹ Thạnh (H.Giồng Trôm), nông dân cũng đang chặt bỏ ca cao trồng xen trong vườn dừa, kể cả tại các mô hình trình diễn. Theo tính toán của bà con nông dân, nếu tuân thủ đầy đủ theo kỹ thuật được khuyến cáo về việc tỉa cành tạo tán, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật thì lời không bao nhiêu so với giá bán; trong khi năng suất dừa lại giảm mạnh.

Dự án trồng xen 10.000 ha ca cao trong vườn dừa được thực hiện từ năm 2010. Đến cuối 2012, tổng diện tích ca cao trong tỉnh đạt gần 10.700 ha. Sau đó, do giá giảm còn khoảng 2.500 đồng/kg trái tươi nên nông dân thi nhau đốn bỏ khiến diện tích ca cao toàn tỉnh chỉ còn gần 7.400 ha vào thời điểm tháng 8.2013. Từ  đó đến nay, mặc dù giá ca cao đã tăng mạnh trở lại (hơn 5.000 đồng/kg tươi, gần 60.000 đồng/kg khô) nhưng nông dân tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và TP.Bến Tre vẫn tiếp tục đốn bỏ nên diện tích ca cao hiện chỉ còn hơn 5.100 ha.

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, việc giá bưởi da xanh và một số loại cây có múi khác ổn định ở mức cao là nguyên nhân chính khiến nông dân bỏ cây ca cao. Thêm vào đó, việc một số nông dân đào ao, dẫn nước mặn vào nuôi tôm gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của ca cao, thậm chí làm chết cây. Ngoài ra, do nhiều nơi ca cao được trồng tràn lan, manh mún nên gặp nhiều khó khăn khi bán sản phẩm, có khi phải vận chuyển cả chục cây số mới đến được điểm thu mua.

Ổn định phần diện tích còn lại

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bến Tre, ca cao vẫn là loại cây trồng xen trong vườn dừa có hiệu quả kinh tế ổn định nhất trong các loại cây trồng xen hiện nay. Hàng trăm nông hộ đã có thu nhập tăng gấp đôi nhờ trồng xen ca cao dưới tán dừa. Việc nông dân chuyển đổi ồ ạt từ ca cao sang bưởi da xanh và một số loại cây ăn trái khác tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai do cung vượt cầu.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết trước mắt ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tập trung nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng diện tích ca cao còn lại. Dự kiến đến năm 2020, diện tích ca cao của tỉnh sẽ ổn định từ 7.000 - 8.000 ha. Đồng thời phối hợp với các đơn vị tài trợ như tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) và một số doanh nghiệp thu mua, sơ chế ca cao như Cargill, Puratos Grand Place… để phát triển thêm diện tích ca cao theo chứng nhận UTZ. Vì thực tế cho thấy, năng suất bình quân của cây ca cao khi canh tác theo tiêu chuẩn này đạt 250 kg hạt khô/ha. Ngoài ra, khu vực trồng xen ca cao sẽ được phát triển tập trung với diện tích tối thiểu phải đạt 20 ha tạo thuận lợi cho nông dân cũng như các cơ sở thu mua gom hàng và sơ chế.

Khoa Chiến - Giao Hòa

>> Trồng ca cao vẫn thu lợi nhuận cao
>> Khánh thành nhà máy ca cao tiêu chuẩn quốc tế
>> Nhà vườn “trảm” ca cao
>> Ca cao bị chặt bỏ hàng loạt
>> Ca cao
>> Nông dân điêu đứng vì ca cao nhiễm bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.