Èo uột du lịch cộng đồng

25/08/2015 10:03 GMT+7

Sở hữu nhiều điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên với bề dày văn hóa của đồng bào thiểu số sở tại, lý ra Kon Tum là đích đến của du khách khắp nơi qua loại hình du lịch cộng đồng; thế nhưng, do cách làm èo uột, tỉnh này vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.

Sở hữu nhiều điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên với bề dày văn hóa của đồng bào thiểu số sở tại, lý ra Kon Tum là đích đến của du khách khắp nơi qua loại hình du lịch cộng đồng; thế nhưng, do cách làm èo uột, tỉnh này vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.

Thác Pa Sĩ ở khu du lịch sinh thái Măng Đen - Ảnh: Phạm Anh
Tiềm năng lớn
Mới đây đoàn du khách 30 sinh viên quốc tịch Anh trong chuyến du lịch khám phá văn hóa bản địa tại thôn Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum, đã rất ấn tượng khi được chứng kiến cuộc sống chân thực ở đây.
Ấy là cảnh bà con thu hoạch vụ mùa, tổ chức săn bắn, đi thuyền độc mộc dọc sông Đăk Bla thơ mộng, đánh bắt cá dọc triền sông. Khi bước vào làng, đoàn du khách Anh chiêm ngưỡng những cô gái Ba Na ngồi dệt thổ cẩm, được chứng kiến hát xoang, đánh chiêng với bà con dân làng bên ánh lửa bập bùng và nhâm nhi hương rượu cần nồng say. Già làng A Panh cho hay, vài năm nay, bà con còn có nguồn thu nhập thêm từ việc kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm, hay tham gia hướng dẫn du lịch cho khách, đưa khách đi xuồng.
Đây không phải là làng duy nhất Kon Tum đầu tư phát triển du lịch cộng đồng mà hiện nay có hàng loạt ngôi làng đồng bào đã và đang đầu tư phát triển loại hình du lịch này như: Kon Jo Ri, Kon Klor 2 ở xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum); Kon Du, Kon Sơ Kôi, Kon Vi Vang ở xã Tân Lập (H.Kon Rẫy); Kon Tu Ran, Kon Ke, Kon Chôt, Đăk Sô, Kon Bring (H.Kon Plông); Đăk Răng, Đăk Mế (H.Ngọc Hồi)…
Những ngôi làng này vốn là “mỏ vàng” để Kon Tum phát triển du lịch cộng đồng, bởi có nhiều sông, hồ, núi thác, nhiều rừng già nguyên sinh với độ che phủ rừng lớn nhất nước và cũng là là vùng đất “màu mỡ” về văn hóa với hơn 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 6 dân tộc bản địa. Muốn khám phá được nét đẹp hoang sơ của núi rừng cũng như văn hóa của đồng bào ở đây thì phải đến với cộng đồng.
Khó lưu khách
Nói đến du lịch cộng đồng, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, ông Phan Thanh Nam nỗi niềm, ông đã chứng kiến nhiều du khách đến làng Kon Ktu hăm hở nhưng ra về với gương mặt đăm chiêu thất vọng.
Mà thất vọng cũng phải thôi, bởi ngoài những câu cá, đi thuyền, đánh chiêng… chỉ trong vòng một ngày đêm là xem như hết, chẳng còn gì để khám phá. Việc muốn mua món quà lưu niệm ở đây thì duy nhất có đồ thổ cẩm, nhưng quá đắt: trên dưới 1triệu đồng/khăn. Thực ra, số tiền này không phải nhiều so với một tháng công ròng rã của đồng bào Ba Na sở tại làm thủ công. Nhưng vấn đề ở chỗ: ai giải thích cho du khách biết họ phải bỏ ra một tháng mới có chiếc khăn thổ cẩm đẹp này.

Nhà lưu trú khách tại làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa - Ảnh: Phạm Anh

 
Đó là chưa kể việc lưu trú của khách tại nhà sàn của đồng bào, nếu ai đã từng ở đây, có lẽ sẽ không chọn lựa lần hai. Ở làng Kon Ktu còn có cơ sở lưu trú, nhưng nhìn vẻ tuềnh toàng và thiếu trên hụt dưới, hẳn rằng du khách sẽ ra TP.Kon Tum tìm khách sạn để ở.
Chúng tôi đã đến làng Đăk Mế, xã Bờ Y và làng Đăk Rằng, xã Đăk Nông (H.Ngọc Hồi), nơi được xem là điểm phát triển du lịch cộng đồng nhưng nhìn bề ngoài rất khó thu hút. Bởi như làng Đăk Mế, hệ thống nhà sàn, nhà rông ở đây đã không còn, mà thay vào đó là nhà hiện đại và khâu vệ sinh rất kém.
Ông Nguyễn Đô Huynh, Giám đốc Công ty du lịch Miền Cao, cho rằng, ở Tây nguyên thì Kon Tum là nơi có thế mạnh nhất để phát triển du lịch cộng đồng với hai lý do, nhất là đối với khách nước ngoài: độ che phủ rừng cao và lưu giữ được nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc bản địa. Du khách nước ngoài lại rất yêu thích hình thức du lịch trekking-đi bộ.
Theo ông Huynh, tuy là vậy nhưng lượng khách du lịch đến lần sau rất hạn chế. Đầu tiên, đó là khâu vệ sinh, mà đầu tàu vấn đề này là nước. Có điều, nguồn nước ở các làng du lịch cộng đồng hiện nay chủ yếu là nước tự chảy, công trình vệ sinh không đảm bảo. Trong khi đó, phần lớn người dân chưa biết các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng, mà ngay như ở thôn Kon Ktu, điểm du khách đến nhiều nhất cũng chỉ mới được Công ty Du lịch Miền Cao đầu tư làm nhà lưu trú (nhà sàn), nệm, tủ; chỉ có 5-6 chiếc xuồng, có khoảng 30 người tham gia vào đội cồng chiêng múa xoang (số tiền thu được để xây dựng quỹ của làng), chỉ có 3 người tham gia nấu ăn cho Công ty du lịch Miền Cao vì hàng ngày bà con vẫn lên rừng phát nương làm rẫy.
Và hệ lụy tất yếu, những khu rừng nguyên sinh ngày càng bị thu hẹp, mà theo ông Huynh thì “còn rừng thì còn du lịch và ngược lại”. Đó là chưa kể, các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng còn nghèo nàn: hạ tầng cơ sở kém, thiếu những “đầu bếp” là người của dân làng, thiếu những nơi để khách du lịch "tiêu tiền"…
 
Đầu tư cho các sản phẩm du lịch đặc trưng
Theo Sở VH-TT-DL Kon Tum, đến tháng 6.2015, toàn tỉnh có 8 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế và nội địa, có 101 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 1.500 phòng, đón 115.000 lượt khách, trong đó có 38.975 lượt khách quốc tế và 76.672 lượt khách nội địa. Tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 257,7 tỉ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Đức Tuy cho biết, ngành du lịch tỉnh này đang chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kon Tum như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, ẩm thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.