Đồng lòng bảo vệ rừng

26/09/2014 09:23 GMT+7

Nhờ sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền và người dân trong việc bảo vệ rừng phòng hộ, nạn sạt lở ở các địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng đã giảm thiểu đáng kể thời gian qua.

 Trồng rừng phòng hộ
Tuổi trẻ Sóc Trăng tham gia trồng rừng phòng hộ  - Ảnh: Chanh Đa

Ông Trần Trọng Khiêm, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, cho biết Sóc Trăng được dự báo là một trong những địa phương ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, những năm qua, địa phương rất có ý thức trong việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển nhằm đảm bảo đời sống, sản xuất cho người dân. Thực hiện dự án phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã trồng mới được khoảng 700 ha rừng tính đến thời điểm này. Riêng trong năm 2014 sẽ có khoảng 280 ha được trồng mới và trồng xen kẽ với những đai rừng tạp để nâng dần chất lượng của đai rừng phòng hộ. “Hiện các đai rừng phòng hộ đang phát triển rất tốt, các bãi bồi đã được phủ xanh và từng ngày lấn dần ra biển. Sắp tới, nếu cứ duy trì vành đai vững chắc như thế sẽ ứng phó được với những diễn biến thời tiết bất thường ở vùng ven biển, đời sống của người dân được an toàn hơn”, ông Khiêm nói.

Mô hình “đồng quản lý” do chính quyền và người dân Sóc Trăng cùng thực hiện, được triển khai dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở NN-PTNT phối hợp thực hiện. Mô hình này nhằm cung cấp cho cộng đồng địa phương những lợi ích thông qua việc tiếp cận một cách hợp pháp và an toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong các khu rừng phòng hộ và bảo vệ một cách hiệu quả những  khu rừng ngập mặn.

Ông Thạch Soal, ngụ ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu), cho biết gần 300 hộ dân trong ấp đã có trách nhiệm bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Trước đây, việc đi lại và khai thác thủy hải sản của người dân gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây non tại bãi bồi. Từ khi tham gia vào mô hình “đồng quản lý”, ý thức của người dân được tăng lên, không còn hành động giẫm đạp, phá rừng. Đến thời điểm này, các vạt rừng phòng hộ đang dày lên, triều cường, gió bão bất thường đã không còn xảy ra nhiều như trước nữa.

Còn theo ông Sơn Tăng Danh, cùng ngụ ấp Âu Thọ B, trước đây khi chưa có mô hình “đồng quản lý”, không có dải rừng phòng hộ, sóng biển thường xuyên gây xói lở nghiêm trọng, tàn phá nhà cửa người dân. “Khi được Chi cục Kiểm lâm vận động tham gia vào mô hình này, chúng tôi đã nhiệt tình hưởng ứng. Các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động để chúng tôi hiểu được lợi ích của việc trồng rừng và bảo vệ rừng”, ông Danh nói.

Chia sẻ về những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc chung tay bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, ông Khiêm cho biết: “Trong những năm gần đây, chúng tôi thấy ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, cụ thể là việc người dân ở ven biển đã tự giác tham gia vào các tổ trồng và bảo vệ rừng. Đây chính là thành công lớn nhất mà chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã và đang thực hiện thời gian qua”.

Chanh Đa- T.T.Phong

>> Tuổi trẻ Sóc Trăng ra quân trồng rừng phòng hộ
>> Nguyên trưởng ban rừng phòng hộ bị bắt vì lập hồ sơ khống
>> Rừng phòng hộ thành vườn chè
>> Khởi tố 9 bị can phá rừng phòng hộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.