Đối mặt với hạn

03/02/2015 09:47 GMT+7

Mới chớm mùa khô nhưng nhiều giải pháp chống hạn đã được đưa ra tại Hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Ninh Thuận mới đây.

Mới chớm mùa khô nhưng nhiều giải pháp chống hạn đã được đưa ra tại Hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Ninh Thuận mới đây.

Đối mặt với hạn
  Đàn cừu ở Ninh Thuận trước nguy cơ bị đói do hạn hán - Ảnh: Thiện Nhân
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong mùa khô năm 2014, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở nhiều nơi thuộc các tỉnh ven biển Trung bộ và cục bộ ở Tây nguyên. Trên phần lớn các sông ở Trung bộ, dòng chảy luôn nhỏ hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 60%, có nơi nhỏ hơn 60%.
Mực nước hạ lưu nhiều sông xuống mức thấp nhất lịch sử; nhiều hồ chứa bị cạn kiệt. Hiện nay, hiện tượng ENSO đang chuyển sang trạng thái pha nóng và khả năng xuất hiện El Nino trong những tháng đầu năm 2015. Mùa khô năm 2015 ở các tỉnh ven biển Trung bộ (từ Nghệ An đến Ninh Thuận) sẽ kéo dài đến tháng 8, vì vậy lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở khu vực này sẽ thiếu hụt từ 40 - 80% so với mức trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng và vùng cửa sông sẽ bị xâm nhập mặn sớm…
Tổng cục Thủy lợi cho biết, mùa mưa ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ vừa kết thúc nhưng lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp so với dung tích thiết kế, như: Khánh Hòa chỉ đạt 40%, Ninh Thuận 23%, Quảng Trị 65%, lượng nước các hồ chứa ở khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ đạt 85 - 95%.
“Cả nước hiện có 361.920 hệ thống nước tự chảy, 169.285 trạm bơm điện, 9.444 trạm bơm dầu, hơn 347 hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, do lượng mưa trong năm 2014 rất thấp, nên chỉ có 100 hồ chứa đủ lượng nước theo đúng dung tích thiết kế”.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, với lượng mưa đến chậm như dự báo, dòng chảy trên các sông và mực nước trong các hồ chứa như hiện nay thì tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra gay gắt. Dự kiến diện tích cây trồng sẽ thiếu nước lên đến gần 30.000 ha ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Quảng Trị. Ở khu vực Đắk Lắk và Kom Tum diễn ra tương tự. Do vậy, ông Hùng cảnh báo, địa phương cần triển khai đồng bộ các phương án chống hạn, tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện mực nước tại một số hồ chứa thủy lợi trên địa bàn gần như cạn đáy, một số nơi thiếu nước cục bộ, đã xuất hiện tình trạng gia súc chết do thiếu nước uống và thức ăn. Khả năng không xuất hiện lũ tiểu mãn trong những tháng đầu năm 2015 và xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Với tình hình này, địa phương chỉ phân bổ diện tích gieo trồng ở khu vực hưởng lợi nguồn nước thuộc hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm (nguồn nước từ hồ thủy điện Đa Nhim); các hồ chứa thủy lợi còn lại chỉ ưu tiên phục vụ sinh hoạt cho người dân và chăn nuôi gia súc.
Nhiều giải pháp phòng chống hạn được các đại biểu đưa ra tại hội nghị, như: tổ chức nạo vét kênh mương, quản lý và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày chịu hạn… Để tránh thiệt hại cho người dân, Thứ trướng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương cần phải có kế hoạch dự trữ nước tại các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và đàn gia súc; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để thực hiện kế hoạch gieo trồng đạt hiệu quả cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.