Độc đáo nhạc cụ C’tu: Réo rắt cung đàn Tâm Bréh

30/06/2014 09:54 GMT+7

Nếu Abel là loại đàn chỉ để hát những lời yêu thương, thì đàn Tâm Bréh lại vừa cả yêu thương, cả hờn trách và thậm chí là những lời cay nghiệt của những người trót yêu nhau mà không đến được với nhau...

Réo rắt cung đàn Tâm Bréh
 Chiếc đàn Tâm Bréh với Aluôi được ôm sát vào lồng ngực mỗi khi gảy đàn, tiếng đàn sẽ là tiếng lòng... - Ảnh: Diệu Hiền

>> Độc đáo nhạc cụ C’tu: Lạc lối mình thổi... Crdool
>> Độc đáo nhạc cụ C’tu: Tiếng đàn tình yêu 

Tiếng đàn từ tâm hồn

 

 
Nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng (công tác tại Trung tâm Văn hóa thông tin H.Tây Giang, Quảng Nam, nay đã về hưu), vốn nổi tiếng là người gắn bó với các làn điệu dân ca của người C’tu trên Đài tiếng nói Việt Nam, và dày công nghiên cứu âm nhạc của người C’tu gần 10 năm nay, chia sẻ: “Nhạc cụ của người C’tu có nhiều âm vực rất hay. Mỗi loại nhạc cụ mang một sắc thái, âm sắc rất riêng, không hề trộn lẫn. Chính những âm sắc đó đã khiến những nhạc cụ C’tu trở thành một trong những tài sản vô cùng quý báu của kho tàng âm nhạc Việt Nam, đang cần được lưu giữ, phát huy trước khi bị mai một bởi thời gian!”

D.H ghi

Đàn Tâm Bréh là chiếc đàn có kết cấu khá đặc biệt, thoạt trông thì có vẻ giống cây đàn bầu của người Việt. Đàn gồm một thanh đàn, làm từ tre trúc, cùng với 2 dây đàn được mắc song song, gồm 1 sợi dây làm bằng mây, 1 sợi bằng dây thép. “Lúc đầu cả 2 đều là những sợi dây mây, trong đó một sợi dây được gọt dũa công phu, cho thật mảnh mai và khi đàn tiếng vọng ngân vang. Sau này, đã thay bằng sợi dây thép để âm thanh trong trẻo và mượt mà, độ rung của từng cung bậc sẽ cao hơn”, già Y Kông giải thích. Cùng với đó là một Aluôi - được làm từ quả bầu khô, để tạo âm vang khi nhịp đàn ngân lên. Và chính Aluôi là “linh vật” của cây đàn Tâm Bréh, bởi khi gảy đàn, Aluôi được áp chặt vào lồng ngực, và dùng một tay đánh vào dây đàn ở phần phía cần đàn, tay kia bấm nốt trên dây đàn phía dưới ở phần đầu phía bên kia của cần đàn. Việc áp Aluôi vào lồng ngực chính là để khi tiếng đàn thoát ra, nó chính là tiếng lòng, điệu nhạc tâm hồn của người gảy đàn. Và cứ như vậy, tùy theo tiết tấu của nhạc điệu mà người sử dụng đánh vào dây đàn bên dưới để tạo nên âm thành như ý muốn.

Đối với người C’tu, cây đàn Tâm Bréh chính là tâm hồn của họ. Vào những đêm khuya thanh vắng, ngoài cây đàn Abel, thì cây đàn Tâm Bréh chính là người bạn tâm tình, bầu bạn với những đôi trai gái đang yêu nhau. Trong không gian núi rừng vắng lặng, khi ở đâu đó trong những buôn làng, tiếng đàn Tâm Bréh thánh thót vang lên, tức là nơi đó tình yêu trai gái đang đơm hoa, kết trái... Các đôi trai gái tìm hiểu nhau, hoặc đang yêu nhau, chọn Tâm Bréh làm người bạn tin cậy, để giúp cho đôi bên cùng tìm hiểu lẫn nhau, để tin cậy trao cho nhau những yêu thương, hay sẽ không chịu chấp nhận nhau vì không đồng điệu tâm hồn...

Cây đàn biết... mắng, chửi

Trong khi đàn Abel là cây đàn chỉ tồn tại những giai điệu yêu thương, thì đàn Tâm Bréh có nhiều cung bậc hơn.

Tiếng đàn Tâm Bréh, có khi đó là tiếng nhạc rộn rã vui vẻ khi một tình yêu chấp cánh; hay tiếng đàn đong đầy yêu thương của một cặp vợ chồng son trẻ; nhưng có khi lại là tiếng đàn réo rắt buồn thương của tình yêu xuất phát từ một phía... Nhưng, tiếng đàn Tâm Bréh không chỉ đơn thuần là những lời yêu thương mật ngọt, tiếng đàn Tâm Bréh còn chất chứa rất nhiều lời lẽ vô cùng cay nghiệt, có khi đó là tiếng than đầy oán trách của một người bị phụ bạc tình yêu, thậm chí là những lời chửi mắng nặng nề: “Tôi cầu cho em lấy phải chồng nghèo/Làm ăn gì cũng không thành...”, “Không lấy tôi em sẽ phải khổ sở/ Trồng rau thì rau héo, nuôi bò thì bò đau...”... “Nhưng đó chỉ là những lời mắng trong đau đớn của những người buồn bã vì mối lương duyên không thành. Thế nhưng, dù có phát ra những lời hờn trách, cầu nguyện rất xấu từ tiếng đàn Tâm Bréh, nhưng thực tế vốn chỉ để thỏa mãn đối với người thất tình; bởi đối với người C’tu, họ tin rằng những lời xấu phát ra từ chiếc đàn Tâm Bréh sẽ không bao giờ trở thành hiện thực...”, già Y Kông mỉm cười giải thích. Có lẽ vì vậy mà cho dù là cây đàn biết mắng chửi, nhưng đàn Tâm Bréh vẫn là cây đàn được tất cả mọi người C’tu yêu mến và gìn giữ nó trong kho tàng nhạc cụ vốn rất phong phú của mình...

Theo nhiều già làng người C’tu ở H.Tây Giang (Quảng Nam), Tâm Bréh còn là cây đàn được sử dụng trong các lễ hội của cộng đồng, với vai trò hòa âm. Cây đàn này còn được sử dụng ở những buổi hát lý. Đàn Tâm Bréh là cây đàn dành riêng cho nam giới, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm, hiểu biết nhạc điệu... Chính cây đàn này cũng thường được dùng để thể hiện các làn điệu dân ca của người C’tu như: ba boóch, cha chấp, bhơ noóch, ca lới...

Diệu Hiền

>> Nhạc cụ độc đáo
>> Nhạc cụ cổ xưa nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.