Đìu hiu nghề đan sọt cội chà

21/10/2014 09:45 GMT+7

Nghề đan sọt cội chà có từ lâu đời và gắn liền với nghề thả chà đánh bắt cá thuyền thống của ngư dân. Tuy nhiện hiện nghề này đang dần dần mai một và đi vào quên lãng.

 Mẹ con bà Thảo với nghề đan sọt cội chà

Nghề của kẻ khó

Trong cái nóng hầm hập của mái tôn và cái khô hanh của gió biển tạt vào, bà Nguyễn Thị Thảo (47 tuổi, trú P.Đức Long, TP.Phan Thiết) cùng con trai đang đánh vật với từng vòng lá buông mải miết đan sọt. Hai mẹ con bà Thảo phối hợp một cách nhịp nhàng, người kéo sợi buông, người đan từng vòng qua lại đều đặn. Phải mất hơn 30 phút, hai mẹ con mới hoàn thành một chiếc sọt.

 

Một cội chà nhỏ là một sọt, ba cây tre và khoảng 300 tàu lá dừa. Cội chà lớn thì vật liệu nhiều gấp ba lần cội chà nhỏ. Làm một cội chà, chỉ riêng phần vật liệu tốn trên 5 triệu đồng. Nếu kể công đan lá, chọn đá, thuê  thuyền chở chà đến điểm thả xuống biển thì chi phí cũng từ 10 đến 15 triệu đồng.

Vật liệu đan sọt là những cọng lá buông được chẻ nhỏ, chắp nối lại thành sợi dây dài. Bên ngoài, dùng lá buông quấn lại, cứ ba sợi như vậy thì đánh thành một sợi to gần bằng ngón chân cái. Sọt là một bộ phận của cội chà, dùng để chứa đá bỏ xuống biển, có tác dụng như một chiếc neo, níu giữ cội chà. Sau đó nhiều cây tre sẽ được cắm giữa sọt nhô trên mặt nước để báo hiệu cho tàu thuyền đi qua biết mà tránh. Lá dừa được rải xung quanh nhằm tạo bóng mát cho cá vào trú ẩn để đánh bắt.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, bà Thảo cho biết gia đình bà làm nghề đan sọt cội chà đã 3 đời nay. “Vợ chồng tui có 4 đứa con thì 3 đứa lớn lên đều đi làm công nhân, làm thuê làm mướn chứ nhất quyết không theo nghề này, vì vừa vất vả mà thu nhập chẳng đủ sống. Chỉ còn thằng út chưa xin được việc làm nên tôi kêu nó ra phụ đan sọt chứ không nó cũng chẳng làm”, bà Thảo tâm sự.

Đói no theo biển

Thời điểm mà nghề thả chà đang phất lên, thuận lợi thì nghề đan sọt của gia đình bà cũng ăn nên làm ra, thu nhập đủ sống. Nay kinh tế khó khăn, thiếu vốn và ít người mua sọt nên hai mẹ con bà Thảo phải đi làm công, đan thuê cho chủ trại chà. Mỗi chiếc sọt được trả tiền công là 45.000 đồng. Một ngày 2 mẹ con bà thảo cũng đan được khoảng 15 cái. Thế nhưng công việc không đều, mỗi tháng chỉ làm được 3, 4 ngày là phải nghỉ vì hàng tồn quá nhiều.

 “Biển đói thì mình đói” là câu đúc kết gần 30 năm làm nghề của bà Thảo.  Bởi ngư dân thường mua chịu sọt, đá, tre gai, lá dừa chở ra biển dựng chà và chỉ thanh toán tiền sau khi đi biển về. Gặp được lúc “trúng mánh”, đánh bắt được nhiều cá, bán được giá thì có tiền trả ngay, gặp phải chuyến biển động, không có lời thì đành khất nợ dài dài.

Theo bà Thảo, toàn TP.Phan Thiết cũng chỉ còn có vài ba trại đan sọt cội chà nhưng cũng hoạt động cầm chừng và chết dần chết mòn. Đầu tư vốn lớn nhưng tuổi thọ của cội chà chỉ chừng ba bốn tháng vì nước biển làm cho lá dừa mục hoặc bị cuốn trôi. Ngoài ra còn gặp nhiều rủi ro như:  bị thuyền giã cào bay kéo lưới cuốn hết cội chà, một số người lén lút tìm cội chà có nhiều cá trú ẩn rồi đánh chất nổ để bắt trộm, … càng khiến nghề thả cội chà dần ít đi, kéo theo nghề đan sọt cũng thu hẹp dần.Và cũng không đâu xa, khi những người đan sọt cuối cùng như bà Thảo già yếu thì cái nghề độc đáo của làng biển có lẽ chỉ còn trong dĩ vãng.

Tiểu Thiên

>> Phá nát cụm làng nghề Triều Khúc
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 5: Làng nghề tiền tỉ 'chết non
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.