Đánh cắp tuổi thơ - Bài 2: Lối mở nào cho trẻ tha hương

19/08/2014 10:15 GMT+7

Nhiều đứa trẻ tha hương phải vật vộn với cuộc mưu sinh qua tờ vé số. Những em may mắn hơn thì được đến với lớp học tình thương nhưng xem ra con chữ đối với các em còn quá xa vời…

Chị em Nhí bán vé số quanh cây xăng tại TX. Dĩ An - Ảnh Huy Anh

Lớp học tình thương tại miếu Bà ấp Thượng, P. Bình An, TX. Dĩ An - Ảnh Huy Anh

Quên hết… con chữ

Lê Thị Huyền (11 tuổi, quê Sóc Trăng) theo ba mẹ lên Bình Dương kiếm sống bằng nghề vé số từ hơn 2 năm nay. Huyền cho biết khu nhà em trọ có 7 gia đình với 20 đứa trẻ đi đều bán vé số như em. Gia đình Huyền gồm 5 người (3 chị em và ba mẹ), tất cả đều bán vé số từ 6 giờ đến 22-23 giờ mới về. Mỗi ngày, cả nhà bán được khoảng 5.000 tờ vé số. “Chúng em thường bán quanh các cây xăng, quán cà phê hay trường học tại Dĩ An. Ba mẹ bảo, cố gắng bán xong sớm để về đi học ở lớp học tình thương”, Huyền tâm sự.

Cũng như gia đình Huyền, gia đình em Trần Thị Nhí (12 tuổi, quê Cà Mau) có 4 anh chị em đều đi bán vé số. Đã 12 tuổi nhưng nhìn em như đứa trẻ lên 7 với nước da đen nhẻm vì phải bươn chải ngoài đường cả ngày. Đêm về lại chỉ được ở trong căn nhà hoang của “xóm lò gạch” tại KP.Bình Thung, P. Bình An (TX. Dĩ An). Đã hơn 4 năm nay, Nhí bán vé số quanh các tuyến đường tại Bình Dương, số tiền em kiếm được giúp ba mẹ trang trải phần nào cuộc sống. Mặc dù rất mê đọc sách nhưng Nhí phải nghỉ học, dù là lớp học tình thương em cũng không đến được.

Nhiều công nhân quanh các KCN, khi đưa con lên Bình Dương sống cũng phải tạm gác lại việc học và cho bọn trẻ đi bán vé số. Trần Xỉn (13 tuổi, quê Sóc Trăng, tạm trú TP.Thủ Dầu Một) cùng với gia đình chuyển lên Bình Dương sống được 5 năm và đó cũng là khoảng thời gian em rong ruổi trên nhiều tuyến đường ở TP. Thủ Dầu Một cùng với xấp vé số. “Ngày ở quê bọn con cũng được đi học nhưng theo cha mẹ lên đây thì phải nghỉ để đi bán vé số. Giờ thì quên hết chữ rồi...”, Trần Xỉn buồn rầu nói.

Nguồn sáng từ lớp học tình thương

Mặc dù tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ CN nhưng đa phần cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn. Đặc biệt, việc cho con đến trường là một thách thức lớn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều lớp học tình thương do đoàn thanh niên phát động đã phần nào giúp các em giải cơn “khát” chữ, trang bị thêm kiến thức giúp các em hành trang vào đời.

Ghé lớp học tình thương tại miếu Bà ấp Thượng, P. Bình An (TX. Dĩ An) thấy nhiều em đã trên 10 tuổi nhưng vẫn đang cặm cụi tập viết từng chữ cái một. Em Lê Văn Hiếu (11 tuổi, quê Sóc Trăng) đang học cùng hai chị gái trong chương trình lớp 1 nói: “Ngày ở quê, em cũng được đi học lớp 1 nhưng mới vào lớp thì lại phải nghỉ và theo ba mẹ lên đây kiếm tiền. Em nghỉ học mấy năm rồi nên không nhớ chữ. Mẹ mới xin thầy cho ba chị em học tại đây. Thích lắm cô ạ”.

Anh Nguyễn Văn Bình – Chủ nhiệm lớp học tình thương miếu Bà ấp Thượng chia sẻ: “Nhìn những em nhỏ có khi đã 14, 15 tuổi mà vẫn còn ê a những chữ cái mà thương lắm. Thôi thì giúp các em kiếm được chữ nào hay chữ đấy”.

Anh Tống Xuân Giang – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đội tỉnh Bình Dương cho biết các lớp học tình thương của đoàn thanh niên được mở ra nhằm giải cơn “khát” chữ cho trẻ em nhập cư có hoàn cảnh khó khăn là điều đáng quý. Tuy nhiên, những lớp học này đa phần chỉ dạy hết chương trình tiểu học. Để các em có điều kiện học lên nữa không chỉ có đoàn thanh niên mà còn cần sự chung tay của nhiều cơ quan ban ngành khác, đặc biệt là của ngành giáo dục.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.