Dân 'lập chốt' đòi đền bù 250 triệu đồng một sào ruộng

06/07/2015 09:20 GMT+7

Nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền (H.Cẩm Giàng, Hải Dương) gần một tháng nay đã tụ tập tại đây để đòi tiền bồi thường 250 triệu đồng/sào ruộng.

Nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền (H.Cẩm Giàng, Hải Dương) gần một tháng nay đã tụ tập tại đây để đòi tiền bồi thường 250 triệu đồng/sào ruộng.

Dân 'lập chố' đòi đền bù 250 triệu đồng một sào ruộng
 
Người dân bám trụ ở cổng chào dự án trong nhiều ngày qua - Ảnh: V.N.K
Nơi người dân Cẩm Điền lập “căn cứ” là khu vực gần 3 cổng chào của dự án, bằng cách căng bạt để tránh nắng, có người trải chiếu trong gầm cổng chào, ghép những tấm cốp pha lại để ngủ.
Bà Lê Thị Hiệu, 83 tuổi, ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền cho biết, những người dân “bao vây” cổng dự án đều ở cùng thôn với bà. Nhà bà Hiệu có hơn 8 sào ruộng đã có hơn 6 sào bị thu hồi trước đó, 2 sào còn lại hiện cũng nằm trong diện thu hồi phục vụ cho dự án.
Theo bà Hiệu, mức giá đền bù ruộng chỉ hơn 60.000 đồng/m2 là quá thấp, trong khi đó gia đình có 6 miệng ăn, không còn ruộng để sản xuất thì cuộc sống sẽ bấp bênh.
“Ngày nào chúng tôi cũng phải cơm nắm muối vừng ra đây để đòi quyền lợi, thậm chí có đợt chúng tôi còn ra ăn nằm ở đây 9 tháng ròng rã vào năm 2010”, bà Hiệu nói.
Theo bà Lương Thị Hợi, 70 tuổi, cũng ở thôn Hoàng Xá, hàng trăm hecta đất là ruộng lúa 2 vụ bị bỏ hoang thành bãi chăn trâu, bò suốt 7 năm qua là sự lãng phí lớn.
“Vì 7 năm qua người dân không cấy hái gì được ở đây nên chúng tôi đề nghị phải trả tiền đền bù ruộng ở mức giá là 250 triệu đồng/sào, bao gồm tiền ruộng, rồi tiền hoa màu thu hoạch. Nếu không được thì trả lại ruộng đúng vị trí cũ để chúng tôi sản xuất”, bà Hợi bức xúc.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Giàng cho biết, dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền trước đây do Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư nhưng đã chuyển giao cho Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) vào tháng 4 vừa qua. Dự án khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch là hơn 208ha, trong đó khu vực nhà máy rộng gần 1.84ha nhưng đã phải giảm xuống còn 150ha do khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi thì hiện chỉ còn 115 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 56 hộ không nhận tiền nhưng cũng không nhận ruộng, đòi trả lại ruộng cũ.
“Ngoài số tiền đền bù ruộng theo mức giá 65.000 đồng/m2, UBND tỉnh Hải Dương đã có chính sách đất 5% để hỗ trợ thêm bà con mất ruộng nhưng bà con lại đòi “chốt” giá đền bù phải là 250 triệu đồng/sào. Chúng tôi đã vận động, giải thích rằng đòi hỏi này là không đúng theo quy định nhưng bà con không nghe”, ông Công nói.
Ông Công cho biết thêm, một số người dân còn xếp những tảng đá lớn ở cổng để chặn xe chở cát vào san lấp mặt bằng, xe của chủ đầu tư. Thậm chí, vào năm 2010 người dân kéo ra dự án đã từng làm cho giao thông trên quốc lộ 5 bị ách tắc cả chục km theo hướng về Hà Nội.
Theo ông Công, hiện các cơ quan chức năng đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con để đảm bảo dự án đúng tiến độ.
Còn ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc VSIP cho biết rất lo lắng tình trạng chậm giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư thứ cấp.
“Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng. Vào tháng 9 tới sẽ có công ty Regina Miracle khởi công xây dựng và sẽ còn nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác sẽ xây dựng nhà máy nên tới năm 2016 là chúng tôi sẽ phải hoàn thành xong việc san lấp mặt bằng”, ông Hoo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.