Chung sức chăm lo chuyện học hành

22/12/2011 10:05 GMT+7

Khi mới chia tách vào năm 2004, Hậu Giang được đánh giá là một trong những tỉnh thuộc “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của ĐBSCL, nhưng đến nay tỉnh này đã vươn lên “top” đầu.

Khi mới chia tách vào năm 2004, Hậu Giang được đánh giá là một trong những tỉnh thuộc “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của ĐBSCL, nhưng đến nay tỉnh này đã vươn lên “top” đầu.

 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận làm việc tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Hậu Giang - Ảnh: H.N

Điểm sáng về xã hội hóa giáo dục

Hiểu rõ những khó khăn, bất cập và những hệ lụy xảy ra khi chất lượng giáo dục yếu kém, Tỉnh ủy Hậu Giang đã đề ra trong nghị quyết là chọn năm 2006 để chăm lo cho GD-ĐT. Nhiều phong trào hay đã được cả hệ thống chính trị bắt tay vào thực hiện và giáo dục Hậu Giang đã “đẹp” lên nhiều từ ngày ấy.

Hiện nay, có 250 trường học trên địa bàn tỉnh được các sở, ban, ngành và các huyện, thị thành cùng nhiều doanh nghiệp nhận đỡ đầu, tạo nên một phong trào mới và hiệu quả trong hoạt động giáo dục. Như trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Vị Thanh) vừa được Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 12 bộ máy vi tính phục vụ giảng dạy và học tập. Bà Nguyễn Ngọc Nga, Giám đốc KBNN tỉnh Hậu Giang cho biết, tới đây đơn vị sẽ hỗ trợ xây dựng bếp ăn tập thể để giúp nhà trường có điều kiện hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Còn ở xã Đông Phú (H.Châu Thành), ai cũng biết đến hành động “nghĩa hiệp” của thầy Dương Văn Mười Hai. Thấy cảnh học sinh nheo nhóc vì phải lội nước đi học mỗi khi lũ về, nên thầy đã hiến gần 700 m2 đất để xây dựng trường cho các em khỏi phải đi học xa. Hay như hộ ông Nguyễn Văn Hùng, xã Tân Bình (H.Phụng Hiệp) đã hiến gần 1.000m2 đất để xây dựng trường học, xóa bỏ tình trạng quá tải và tạo sân chơi cho học sinh. Bên cạnh đó, phong trào “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) ở tỉnh này cũng đã giúp cho hàng ngàn học sinh có cơ hội vững bước đến trường.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, từ khi chia tách tỉnh đến nay, người dân tỉnh Hậu Giang đã hiến hơn 45.000m2 đất để xây dựng trường học. Nhiều cá nhân, đơn vị trong, ngoài tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng cho công tác GD-ĐT. Học sinh nghèo, học sinh giỏi trong tỉnh đã được cấp trên 1.500 suất học bổng và được hỗ trợ nhiều hiện vật khác như máy tính, xe đạp, tập sách, quần áo…

Còn nhiều cái khó

Mặc dù được sự chung tay góp sức hết mình của chính quyền và người dân, ngành GD-ĐT Hậu Giang vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn trên 1.800 phòng học bán kiên cố xuống cấp, trong đó nhiều phòng hư hỏng  trầm trọng cần được xây dựng thay thế và gần 650 phòng học tạm, 61 phòng tre lá cần kiên cố hóa.

Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ giáo viên tăng nhiều so với trước, nhưng trong năm học này, toàn tỉnh vẫn thiếu trên 300 giáo viên ngành học mầm non, trên 230 giáo viên tiểu học. Trong khi đó, đa phần người dân trong tỉnh sống bằng nghề nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình vẫn quan tâm chưa thật sự đúng mức đến con em. Ngoài ra, một bộ phận người dân do mưu sinh phương xa, dẫn theo con em đi cùng khiến các em học sinh phải bỏ học nửa chừng...

Ngoài ra, còn phải kể đến các chỉ tiêu nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn đạt khá thấp. Trong đó có thể kể đến chỉ tiêu huy động trẻ vào nhà trẻ mới chỉ đạt trên 8%, còn tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt gần 24%, chỉ tiêu sinh viên/vạn dân mới chỉ dừng lại con số 128 sinh viên…

Trong chuyến công tác mới đây tại Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá giáo dục Hậu Giang đã có bước phát triển rất tốt, đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự quan tâm của nhân dân và toàn xã hội. Nhưng do xuất phát điểm khá thấp, nên giáo dục Hậu Giang vẫn đang trong giai đoạn “khởi động”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có sự quan tâm tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ cho Hậu Giang, giúp tỉnh có thêm điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt công tác nâng chất giáo dục bền vững”.

Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.