Chợ tiền tỉ bỏ không

20/06/2013 10:02 GMT+7

Trong khi chính quyền địa phương lúng túng thì chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, vì nhiều chợ mới xây tại Bến Tre đang bị bỏ không.

Trong khi chính quyền địa phương lúng túng thì chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, vì nhiều chợ mới xây tại Bến Tre đang bị bỏ không.

Xây xong để đó

Ông Huỳnh Hữu Lợi, Giám đốc Công ty CP thương mại, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng Đông Đô cho biết gần 1 năm nay công ty lâm vào cảnh “sống dở chết dở” vì chợ mới Quới Sơn (xã Quới Sơn, H.Châu Thành) chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều lúc đóng cửa. Chợ được xây dựng trên diện tích 5.000 m2, tổng vốn đầu tư 17 tỉ đồng, có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, nhà vệ sinh… nhằm phục vụ cho hơn 15.000 công nhân Khu công nghiệp Giao Long. Chợ có gần 400 ki ốt, sạp kinh doanh các mặt hàng quần áo, lương thực thực phẩm, điện máy… Trong khi đó, ngay bên hông Khu công nghiệp Giao Long, chợ Lộc Sơn cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại thu hút công nhân tập trung mua sắm. Việc đi lại tại khu vực này trở nên khó khăn cộng với tình trạng xả nước, rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Lợi chua chát nói: “Công ty của tôi đầu tư hàng chục tỉ đồng, tuân thủ hết mọi tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, nhưng không cạnh tranh lại ngôi chợ tự phát ngay bên lề đường”.

Chợ tiền tỉ bỏ không
Cả năm nay, chợ mới Quới Sơn gần như không hoạt động - Ảnh: Giao Hòa

Chợ mới Tân Phong (xã Tân Phong, H.Thạnh Phú) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc DNTN vận tải và xây dựng Nguyễn Hùng, chủ đơn vị đầu tư xây dựng chợ, dù hoàn thành từ tháng 11.2012 nhưng đến nay, chợ mới Tân Phong vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, việc mua bán tại chợ cũ ở ngay vị trí đối diện với chợ mới vẫn diễn ra sôi động hằng ngày, tiểu thương và người dân thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường. Ngay từ đầu, việc xây dựng chợ mới Tân Phong được UBND xã, huyện ủng hộ và mọi thủ tục từ xin phép xây dựng cho đến khâu thuê đất đều rất thuận lợi. Nhưng khi chợ xây xong thì tiểu thương không muốn vào, UBND xã lại chủ trương để 2 chợ cũ và mới hoạt động độc lập. Vì vậy, doanh nghiệp không có cách nào kéo tiểu thương sang nhà lồng chợ mới, dù đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm từ 6 tháng tới 1 năm tiền phí chợ. Ông Hùng cho biết ông đầu tư 3,7 tỉ đồng vào chợ mới Tân Phong và đã 7 tháng trôi qua mà chợ vẫn để không.

Theo UBND xã Tân Phong, từ trước tới nay, việc thu phí chợ cũ Tân Phong được giao cho cho tư nhân và người này đóng lại cho UBND xã mỗi tháng 6 triệu đồng. Mặc dù hợp đồng đã hết hạn từ tháng 12.2012 nhưng UBND xã vẫn tiếp tục cho người này thu phí mà không tổ chức đấu giá theo yêu cầu của người dân. Lý do được UBND xã đưa ra là chủ cũ có nhiều “đóng góp” cho chợ cũ?!

Chợ tiền tỉ bỏ không
Mua bán chen chúc trước cổng phụ Khu công nghiệp Giao Long - Ảnh: Giao Hòa

Tính chuyện trả lại chợ

Được biết, tại chợ Quới Sơn lẫn Tân Phong, việc di dời tiểu thương từ chợ cũ sang chợ mới gặp rất nhiều khó khăn do bà con có tâm lý không muốn thay đổi chỗ,  dẫn đến tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường kéo dài suốt thời gian qua. Đoàn liên ngành của huyện cứ khoảng 1 tuần lại ra quân dọn dẹp 1 lần  nhưng hôm sau đâu lại vào đó. Ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc: “Nếu từ đây đến cuối năm chợ mới Tân Phong không đi vào hoạt động được thì chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục trả lại chợ này cho Nhà nước, vì không đủ khả năng để tiếp tục nuôi nó”.

Ông Huỳnh Hữu Lợi cũng cho biết ông vừa có tờ trình kiến nghị UBND huyện mạnh tay với tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường bên hông Khu công nghiệp Giao Long. “Nếu không dẹp bỏ tình trạng trên, chợ mới Quới Sơn sẽ không thể đi vào hoạt động”, ông Lợi nhấn mạnh. Bên cạnh 2 chợ mới ở xã Quới Sơn và Tân Phong, một số chợ “tiền tỉ” trên địa bàn tỉnh cũng bị ế nhiều năm nay như: chợ Đê Đông (xã Thạnh Phước, H.Bình Đại), chợ Long Hòa (xã Long Hòa, H.Bình Đại)...

Giao Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.