Chế tạo máy thu câu giúp ngư dân

06/07/2015 09:54 GMT+7

Đó là chiếc máy kéo giàn câu (thu dàn câu) trên các tàu hành nghề câu có công suất từ 20-300CV do 3 chàng trai tại Đà Nẵng sáng chế, giúp ngư dân an toàn hơn khi lao động trên biển.

Đó là chiếc máy kéo giàn câu (thu dàn câu) trên các tàu hành nghề câu có công suất từ 20-300CV do 3 chàng trai tại Đà Nẵng sáng chế, giúp ngư dân an toàn hơn khi lao động trên biển.

Chế tạo máy thu câu giúp ngư dânPhan Thành Nhân (áo trắng) và Lê Văn Hoàng (áo sọc xanh) kiểm tra hiệu quả sử dụng của máy thu câu khi đang hoạt động trên biển - Ảnh: An Dy
Giữa cửa biển Đà Nẵng, trên chiếc thuyền câu số hiệu ĐNa 3099TS của ông Phạm Tích, hai thanh niên trẻ đang tỉ mẫn hướng dẫn các bạn (lao động đi biển theo cách gọi của ngư dân) thao tác máy kéo thu giàn câu.
Một trong hai thanh niên đó là Lê Văn Hoàng, người đề xuất ý tưởng chế tạo chiếc máy thu câu “tiếp sức” cho ngư dân, để hai người bạn của anh là Phan Thành Nhân và Nguyễn Văn Xuân cùng ngụ tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng chung sức thực hiện.
Con nhà tông…
Đứng giữa biển, dù thời tiết khá êm nhưng vẫn thấy việc bám mình ở be thuyền, chồm mình thu từng đoạn câu là công việc vất vả và vô cùng nguy hiểm. Trung bình mỗi lần bủa, thả khoảng 50 nẹp với 5000 lưỡi câu, dọc chiều dài 10-12 hải lý, bạn phải luân phiên nhau kéo câu rất mất sức, và xây xát, thương tích là chuyện cơm bữa.
“Gia đình tôi 3 đời làm nghề đi biển, hành nghề câu nên chuyện kéo câu với tôi cũng là một nỗi ám ảnh. Tôi đi học ngành cơ khí và quyết tâm phải làm một cái gì đó thật khác. Khi tôi đưa ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy thu câu, ai cũng gạt đi, chỉ có Nhân và Xuân là ủng hộ và đồng hành với tôi. Chúng tôi mày mò từ khâu thiết kế, tìm tòi, hiệu chỉnh suốt cho đến khi hoàn thiện mất gần 3 tháng”, Lê Văn Hoàng vừa theo dõi máy thu câu hoạt động vừa bắt đầu câu chuyện.
Từ sản phẩm đầu tiên chạy bằng điện, khá cồng kềnh và nặng gần 90kg, Hoàng và 2 người bạn đã ra sức cải tiến từng chi tiết để trọng lượng máy giảm chỉ còn một nửa, và hoạt động bằng hệ thống thủy lực để ổn định hơn, thêm vào đó, máy cải tiến còn có bộ phận điều khiển thu câu nhanh, chậm tùy ý.
Người thứ ba đặt hàng chiếc máy kéo thu câu từ các bạn trẻ chính là lão ngư Phạm Khá (ngụ tại Q.Sơn Trà) có gần 60 năm gắn bó đời mình với nghề kéo câu. Giữa biển cả mênh mông ông vốn coi như là nhà, lão ngư ngồi nhìn các bạn trẻ thao tác máy và không giấu được vẻ tự hào. Đi gần hết đời người, đời nghề kéo câu với đôi tay đầy vết chai, đến cuối đời, lão ngư thực sự mãn nguyện khi được nhìn thấy lớp con cháu lớn lên từ làng chài đóng góp chút tâm huyết công sức giúp cho nghề đi biển bớt nhọc.
Tiếp sức ngư dân
“Chiếc máy đầu tiên chúng tôi làm được ông Phạm Lên (Q.Sơn Trà) đề xuất thử nghiệm và đã phát huy hiệu quả suốt 3 tháng qua trên tàu ĐNa 37106TS của ông. Máy kéo thu câu hoạt động qua cả chục chuyến biển trên tàu của ông Lên và chưa hề trục trặc hay gặp sự cố nào”, Thành Nhân cho biết.
Có mặt trong chuyến kéo câu thử nghiệm của tàu ông Phạm Khá, ông Lên cũng hào hứng truyền đạt kinh nghiệm cho thuyền viên đứng máy. Theo ông Lên, nếu kéo bằng tay thì vị trí kéo câu cần 2-3 bạn “vững tay” luân phiên nhau, và phải kéo liên tục mất 8-9 giờ đồng hồ cho một lần bủa. Sử dụng máy kéo câu thì chỉ cần 1 người đứng máy và kéo khoảng gần 5 giờ đồng hồ là xong, bạn thuyền đỡ nhọc sức mà tiết kiệm được công lao động rất nhiều.
“Từ khi có máy kéo thu câu, những chuyến biển của chúng tôi nhẹ nhàng hơn và năng suất hẳn. Chuyến vừa rồi, máy thu câu của tôi kéo con cá lạc gần 15kg mà vẫn nhịp nhàng, chúng tôi chỉ việc lấy cần khấu móc cá lên”, ông Lên hào hứng nói.
Chiếc máy tuy nhỏ nhưng trở thành trợ thủ đắc lực cho mỗi chuyến câu. Thời gian kéo câu được rút ngắn thì số lần kéo câu tăng lên, năng suất và sản lượng cũng tăng gần gấp đôi sau mỗi chuyến ra khơi. Thêm vào đó, cơ chế hoạt động, kích cỡ của mỗi chi tiết máy đều được thiết kế thành một khối hài hòa, thuận tiện và dễ dàng cho người sử dụng.
“Tôi lớn lên với nghề kéo câu của gia đình và trải nghiệm từ thực tế, vì vậy mỗi công đoạn trong sáng chế của chúng tôi đều hướng đến sự hài hòa và thuần thục của người thao tác, giúp tiết kiệm tối đa công lao động, giữ sức cho anh em bạn chài trong suốt hành trình dài bám biển”, Hoàng chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, hơn 40 tàu cá hành nghề câu ở miền Trung đã tìm đến đặt hàng máy kéo thu câu và thu lợi qua mỗi chuyến biển. Ba chàng trai làng biển, một người chuyên cơ khí, một chuyên kỹ thuật điện, một chuyên máy tiện lại tất bật với dự án sản xuất, lắp ráp máy thu câu.
“Hiện tại, chúng tôi đang làm với công suất 1 tuần/máy, thêm 1 ngày lắp đặt, hướng dẫn sử dụng nữa là sẵn sàng vươn khơi”, Nhân tự tin cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.