Cậu học trò nghèo tài năng

22/01/2015 09:06 GMT+7

Đến Trường THPT Thới Long (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) hỏi Phạm Quốc Yên (học sinh lớp 12A1) hầu như ai cũng biết. Bởi Yên sinh ra trong gia đình nghèo nhưng đã biết vượt qua khó khăn để thỏa ước mơ nghiên cứu khoa học.

Đến Trường THPT Thới Long (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) hỏi Phạm Quốc Yên (học sinh lớp 12A1) hầu như ai cũng biết. Bởi Yên sinh ra trong gia đình nghèo nhưng đã biết vượt qua khó khăn để thỏa ước mơ nghiên cứu khoa học.

Cậu học trò nghèo tài năng
 Quốc Yên đang thí nghiệm sản phẩm của mình - Ảnh: Tam Anh
Gia cảnh khó khăn, cha mẹ phải đi làm thuê tận Sóc Trăng nhưng Quốc Yên luôn đến lớp đều đặn, là học sinh giỏi nhiều năm liền nên bạn bè và thầy cô rất quý mến. Trong sinh hoạt và học tập, Quốc Yên luôn hòa đồng và hết lòng giúp đỡ bạn bè. Quốc Yên tâm sự: “Em nghĩ chỉ có tri thức mới giúp thay đổi được cuộc sống, vượt qua đói nghèo và đóng góp cho xã hội…”.
Hằng ngày, chứng kiến bà con xung quanh băn khoăn, tốn nhiều chi phí để phòng chống sâu bệnh trên cây ăn trái nên Quốc Yên đã tự mày mò nghiên cứu tài liệu về một loại cỏ dại có khả năng diệt được sâu rầy và đem ý tưởng trình bày với cô phụ trách môn hóa học của trường. Được sự hướng dẫn của cô, sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu, chế xuất, thử nghiệm, Quốc Yên đã cho ra đời chế phẩm sinh học từ cây sài đất có thể phòng ngừa sâu hại, giúp bà con nông dân đỡ tốn kém và tăng năng suất cây trồng. Sài đất (còn có tên là cỏ xuyến chi, cúc xuyến chi) là một loại cây họ cúc mọc hoang, phát triển nhanh và có sẵn tại địa phương. Sau thành công, Quốc Yên mang sản phẩm của mình thử nghiệm và đã cho hiệu quả trên một số loại cây trồng như: mè, mai, rau cải các loại…
Theo Quốc Yên, đầu tiên phải lựa chọn những cây sài đất to khỏe, bông nhiều, sau đó phơi khô, xắt nhuyễn pha với cồn công nghiệp. Khoảng 2 tuần thì chắt lấy nước thuốc đem pha với xà bông, nước theo tỷ lệ 40% thuốc, 60% nước sạch và đem xịt. Điều đặc biệt là chế phẩm sinh học này được điều chế khá đơn giản, diệt được nhiều sâu bệnh trên hoa màu nhưng ít tốn kém, không ảnh hưởng đến sức khỏe người phun xịt. Ngoài ra, cây sài đất có khả năng phát triển rất nhanh, phù hợp với khí hậu khô, nắng, nên khi trồng chung thì các loại cỏ dại khác không phát triển được, giúp cho nông dân hạn chế công làm sạch cỏ dại. Đồng thời, sài đất còn có công dụng trị rôm sảy, cầm máu và một số bệnh thông thường khác.
Sáng chế của Quốc Yên rất khả thi vì nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào, phương pháp thực hiện đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Chế phẩm sinh học này đã giúp Quốc Yên đạt giải khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm 2013” do Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ tổ chức. Sau đó, đề tài này còn giúp Quốc Yên vượt qua hơn 500 đề tài khác để giành giải nhất tại cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên nhi đồng năm 2013” do Thành đoàn Cần Thơ tổ chức. Quốc Yên tâm sự: “Em rất vui vì đã thành công bước đầu trong sáng tạo khoa học. Thành công này góp phần khích lệ để em cố gắng nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống, nhất là giúp bà con nông dân tăng thu nhập”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.