Cam kết với chất xám

06/10/2015 10:18 GMT+7

Hôm cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Hải Mã, một đơn vị chuyên đào tạo kỹ sư thực hành lái rô bốt dưới đáy biển, phục vụ cho công tác sửa chữa và thăm dò các công trình dầu khí và an ninh quốc phòng tại Vũng Tàu đã kiện ra tòa một số kỹ sư đã không giữ đúng cam kết trong hợp đồng đào tạo.

Hôm cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Hải Mã, một đơn vị chuyên đào tạo kỹ sư thực hành lái rô bốt dưới đáy biển, phục vụ cho công tác sửa chữa và thăm dò các công trình dầu khí và an ninh quốc phòng tại Vũng Tàu đã kiện ra tòa một số kỹ sư đã không giữ đúng cam kết trong hợp đồng đào tạo.

Tòa án TP.Đà Nẵng cũng vừa xét xử các trường hợp được gọi là “tài năng”, sau khi lấy tiền ngân sách của thành phố đi du học, tốt nghiệp và... dông luôn. Nội dung về những vụ kiện của Công ty Hải Mã với số kỹ sư của mình và giữa TP.Đà Nẵng với các học viên được gửi đi đào tào nước ngoài thì khác nhau nhưng bản chất của vấn đề thì lại khá giống nhau. Đó là sự bội tín những điều khoản trong các cam kết giữa người được thụ hưởng chính sách đào tạo, tạm gọi là “chất xám”, với người bỏ tiền ra để đào tạo.
Để đào tạo một kỹ sư điều khiển thuần thục rô bốt dưới đáy biển phải mất 5-7 năm. Học viên vừa được học lý thuyết qua các mô hình, vừa đi thực tế tận hiện trường liên tục trong nhiều năm thì mới có thể “tự lái” được. Vì là nghề mang tính đặc thù, lại không có trường đạo tạo chuyên biệt như các ngành khác nên nghề lái rô bốt dưới đáy biển được cho là “hàng hiếm”. Doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỷ đồng để đào tạo cho từng học viên. Trong quá trình học việc và đi thực tế ngoài biển, học viên vẫn được nhận lương và hưởng các khoản bảo hiểm nên cam kết giữa chủ và thợ là sau khi tốt nghiệp ra trường phải làm việc cho chủ ít nhất là 5 năm thì mới được chuyển chỗ khác. Thế nhưng, những cam kết đó bị một số kỹ sư xóa bỏ sau khi học được nghề. Ở Đà Nẵng thì ngân sách tốn hàng tỷ cho mỗi học viên nhưng sau khi học xong ở nước ngoài, nhiều người tìm đủ các lí do để không về lại quê nhà như đã cam kết.
Trong khoảng 10 năm qua, các tỉnh miền Trung đã bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn để đào tạo cán bộ của mình đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài với những cam kết là sau khi tốt nghiệp phải về địa phương công tác 5 năm. Nếu không thực hiện thì phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo ấy cho nhà nước. Thế nhưng đã có nhiều trường hợp sau khi học xong là chuyển đi nơi khác. Có lẽ Đà Nẵng là địa phương đầu tiên kiện ra tòa về vấn đề này. Hải Mã cũng là công ty đầu tiên kiện những người thợ của mình trong lĩnh vực đào tạo. Và cả hai đều cùng “thắng kiện” trong một tâm thế chẳng đặng đừng này.
Có thể có nhiều lí do để mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực bị rạn vỡ dẫn đến bội tín. Nhưng dù là lí do gì đi nữa thì khi đã đặt bút ký vào bản cam kết thì người ký phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Đồng ý là nước luôn chảy về chỗ trũng, song trong những trường hợp trên đây, trước khi chảy về chỗ trũng nào đó, nước ấy cũng phải tưới tắm lại mảnh đất đã từng cưu mang mình. Đó mới là đạo lý, ít ra cũng là người biết điều. Bản cam kết với chất xám lúc ấy sẽ không bị hoen ố bất cứ một giọt mực đen nào.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.