Bước đột phá của các bệnh viện tuyến tỉnh

Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng (BVĐKLĐ) và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận (BVĐKNT) đang có những bước đột phá trong điều trị, góp phần nâng cao chất lượng trong khám và chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh.

Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng (BVĐKLĐ) và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận (BVĐKNT) đang có những bước đột phá trong điều trị, góp phần nâng cao chất lượng trong khám và chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh.

Ca phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối đầu tiên thực hiện tại BVĐK Lâm ĐồngCa phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối đầu tiên thực hiện tại BVĐK Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên
Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị
BS Nguyễn Bá Hy, Giám đốc BVĐK Lâm Đồng, cho biết trong vài năm gần đây, bệnh viện (BV) chú trọng nâng cao chất lượng khám và điều trị bằng việc ứng dụng nhiều kỹ thuật mới. BV đang thực hiện Dự án “Phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II”, với kinh phí 8 triệu USD bằng nguồn vốn vay của JICA - Nhật Bản, tập trung đào tạo đội ngũ y bác sĩ, đầu tư mua sắm thêm các máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ chẩn đoán, điều trị có chất lượng, hiệu quả.
BV được chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị mới từ các BV Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Răng Hàm Mặt TW TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM, Nhi Đồng II TP.HCM, BV Trung ương Huế… Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác với Hội Phổi Pháp - Việt, Tổ chức MESCH (Úc), Tập đoàn TOHO (Nhật), BVĐK Lâm Đồng đã tiếp nhận các kỹ thuật mới như kỹ thuật gây dính màng phổi, nội soi phế quản có can thiệp; phẫu thuật (PT) thoát vị bẹn, PT lỗ tiểu thấp; điều trị giảm đau bằng ion điện… Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc BVĐKLĐ cho biết: “Có nhiều ca bệnh trước đây phải chuyển viện thì nay BV chủ động điều trị rất hiệu quả, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên”.
Năm 2014, BVĐK LĐ ứng dụng thành công PT chèn ép tuỷ sống; thoát vị đĩa đệm; gãy trật cột sống đa tầng; khớp háng toàn phần; nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, khớp vai; nội soi thoát vị bẹn; cắt trĩ Longo; PT kết hợp xương hàm dưới vùng cổ lồi cầu. Khoa Hồi sức tích cực & chống độc triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, lọc máu liên tục. Khoa Nhi áp dụng kỹ thuật bơm Sufactant điều trị bệnh màng trong trẻ sơ sinh… Bác sĩ Hy cho biết trong năm 2015, BVĐKLĐ thành lập Đơn vị Can thiệp Tim mạch, và mở thêm Khoa Ung bướu để điều trị bệnh nhân ung thư tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.
Tỉ lệ chuyển viện tuyến trên giảm 60-70%
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận (BVĐKNT), được chuyển về cơ sở mới năm 2012, với quy mô 600 giường bệnh, với đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại. Các bệnh viện tuyến trung ương đã chuyển giao kỹ thuật mới trong chẩn đoán điều trị, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ BV như lọc máu liên tục, thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu tim mạch, cấp cứu nhi, hồi sức cấp cứu chống độc, thay khớp gối, thay khớp háng toàn phần và bán phần, mổ nội soi tiêu hóa…. BV cũng đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại như: MRI, C-arm, CT8 lát cắt, hệ thống tán sỏi nội soi laser. Giữa năm 2014, BV đưa thiết bị chẩn đoán MRI vào sử dụng, giúp chẩn đoán sớm và chính xác hàng trăm trường hợp mắc các bệnh lý tai biến mạch não, bệnh lý cột sống và cơ xương khớp (trước đây phải chuyển lên tuyến trên). Cuối năm 2014, BV đưa vào sử dụng máy nội soi tán sỏi laser điều trị thành công các trường hợp bị sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa và dưới… Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc BVĐKNT, cho biết việc kết nối hợp tác chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật y tế giữa bệnh viện đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh với BVĐKNT đã đem lại hiệu quả cao. Đến nay, BVĐKNT áp dụng thành công các kỹ thuật cấp cứu tim mạch, kỹ thuật sốc điệu trị rối loạn, kỹ thuật dẫn lưu não thất cho bệnh nhân bị tắc nghẽn dịch não tụy, mổ chấn thương sọ não…nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; tỉ lệ chuyển viện lên tuyến trên giảm 60 – 70% so với những năm trước đây.
Bên cạnh đó, Ban giám đốc BVĐKNT thực hiện triệt để việc “nói không với phong bì”, không nhận quà biếu, tiền bồi dưỡng của bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực trong khám và điều trị… Nhờ đó, hình ảnh của bệnh viện đã thay đổi tích cực trong cách nhìn của người dân, bước đầu tạo được lòng tin cho người bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.