Bỏ hoang khu tái định cư

02/06/2015 10:25 GMT+7

Một thực tế nghịch lý khi hàng chục căn nhà tái định cư ở trung tâm xã bị bỏ hoang, còn người dân lại “bám trụ” sống nghèo khó giữa rừng cách đó hơn 10 km.

Một thực tế nghịch lý khi hàng chục căn nhà tái định cư ở trung tâm xã bị bỏ hoang, còn người dân lại “bám trụ” sống nghèo khó giữa rừng cách đó hơn 10 km.

 Hàng loạt nhà trong khu tái định cư bị bỏ hoang, hư hỏng - Ảnh: Trung Chuyên
Khu dân cư thưa bóng người
Ở ngay trung tâm xã Ea Đăh, H.Krông Năng (Đắk Lắk), một khu tái định cư kéo dài theo một con dốc với gần 90 ngôi nhà xây, nhà gỗ mái tôn nằm kề nhau, mỗi nhà đều cùng kích cỡ nhỏ bé, diện tích chừng 25 m2. Phần lớn nhà từ lâu không có người ở, nhiều nhà bị hư hại nặng; cửa sổ, cửa ra vào bị mất hoặc hoen rỉ, kính vỡ nát; mái tôn hở toang hoác; quanh nhà cây cỏ mọc um tùm…
Ông Vàng A Chống ở cuối chân dốc cho biết chỉ một mình ông ở đây trông coi hai căn nhà của mình và của một người em, quanh đó gần chục ngôi nhà đã bỏ hoang.
“Vợ con tôi ở trong thôn Giang Đông cách đây hơn mười cây số để làm rẫy, chỉ một mình tôi sức khỏe yếu nên ra đây ở thôi. Mấy năm nay, nhiều bà con không ở khu tái định cư này vì nơi đây đất làm ăn ít quá lại xấu nữa”, ông Chống trần tình.
Ông Giàng A Nụ, trưởng thôn Giang Đông, cho biết người dân của thôn xuất xứ di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc vào từ những năm 1990; đến năm 2004 được Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lập dự án cho tái định cư ở trung tâm xã.
Khu tái định cư có 72 nhà xây theo chương trình 134 và 15 nhà gỗ theo chương trình 167, mỗi hộ được cấp một nhà và 5.000 m2 đất sản xuất gần đó. Ban đầu, các hộ về ở khu tái định cư nhưng không bao lâu thì kéo nhau trở lại sống nơi cũ thuộc tiểu khu 342 rừng phòng hộ Krông Năng. Hiện ở khu tái định cư chỉ có 10 hộ sinh sống, ngoài ra có khoảng 50 trẻ em của thôn ra trọ học. Theo ông Nụ, ở thôn Giang Đông có đến 300 ha đất sản xuất nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn do xa trung tâm, đường giao thông rất xấu, không có điện lưới; thôn có 147 hộ thì có đến 136 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo...
“Những năm qua, chính quyền đã nhiều lần vận động bà con về ở tại khu tái định cư nhưng hầu hết vẫn chưa chấp nhận do cho rằng nơi đây không đủ đất canh tác. Trong khi đó ở tiểu khu 342 thì đất sản xuất chủ yếu xâm canh đất rừng nên chỉ được trồng cây ngắn ngày, không được trồng cây công nghiệp, dân không khá lên được”, ông Nụ nói.
Nhiều hệ lụy
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Kỳ Tuyết, Chủ tịch UBND xã Ea Đăh, cho rằng tình trạng người dân bỏ hoang khu tái định cư, trở lại sống ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng luôn là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong nhiều năm nay.
Theo ông Tuyết, việc “bám trụ” định cư biệt lập giữa rừng của hàng trăm hộ thôn Giang Đông đã gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội như nghèo đói, bệnh tật, thất học cho nhiều trẻ trong tuổi đến trường, nảy sinh các tệ nạn xã hội; mặt khác còn khiến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn thêm phức tạp...
Tuy nhiên, gần đây có hướng mới để giải quyết vấn đề. Ông Tuyết cho biết sau nhiều lần vận động, thuyết phục di dời thôn không thành, xã đã kiến nghị cấp trên chấp nhận thực tế, có phương án ổn định cho người dân thôn Giang Đông. Mới đây, cấp trung ương đã chấp thuận cho lập dự án nhằm ổn định cuộc sống cho người dân ngay tại tiểu khu 342; theo đó sẽ chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp bà con đã khai phá sang đất nông nghiệp và đất ở, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện sinh hoạt, đường giao thông, điểm trường…
“Dự án này thực hiện mới có thể ổn định đời sống lâu dài cho người dân thôn Giang Đông và giảm bớt những trăn trở của các cấp quản lý ở địa phương lâu nay”, ông Tuyết nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.